1. Luyện kỹ năng đọc qua phụ đề trên video
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, việc bật phụ đề khi cho trẻ xem các video cùng ngôn ngữ sẽ giúp thúc đẩy kỹ năng đọc của trẻ. Cụ thể, khả năng chuyển đổi dữ liệu của con người, cho dù ở độ tuổi chưa phát triển toàn diện, vẫn có thể tự động tạo ra những phản ứng đọc hiểu khi đôi mắt nhìn thấy các phụ đề. Khi trẻ được xem những video trực quan sinh động kết hợp với phụ đề lặp đi lặp lại, các nơ-ron thần kinh trong não bộ sẽ hình thành một sự liên kết chặt chẽ giữa hình ảnh và nội dung thông qua mắt nhìn, từ đó giúp trẻ tiếp thu ngôn ngữ và đọc tốt hơn. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, trẻ được xem các chương trình có phụ đề cùng ngôn ngữ có điểm số cao hơn trong các bài thi đọc hiểu và phân tích đoạn văn. Cha mẹ được khuyến khích nên cho trẻ luyện kỹ năng đọc qua phụ đề trên video bắt đầu từ 6-10 tuổi.
2. Tạo không gian đọc sách cho trẻ
Trẻ thích đọc sách trong môi trường như thế nào? Hãy quan sát sở thích của trẻ để xây dựng không gian đọc tại nhà giúp kích thích trí tưởng tượng và tăng cường sự tập trung cho trẻ. Nếu không có phòng đọc sách riêng, bạn có thể sắp xếp trải thảm ở một góc phòng khách, kê giá sách cùng những chiếc gối xinh và ghế lười (tiếng Anh: beanbag chair). Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tận dụng không gian gầm cầu thang để
trang trí thành một góc đọc sách nhỏ ấm cúng cho trẻ.
3. Khuyến khích trẻ đọc sách ở mọi nơi
Việc cùng trẻ đọc sách là điều cha mẹ nên làm mỗi ngày. Nhưng nếu bạn không có đủ thời gian thì sao? Hãy tạo sự hứng thú cho trẻ bằng cách chọn lựa sách ở nhiều thể loại khác nhau như truyện tranh, sách khoa học, văn hóa, tạp chí. Sau đó, lập một thời gian biểu đọc sách tại nhà và khuyến khích trẻ tự đọc mỗi khi đến giờ. Ngoài giá sách trong phòng ngủ của trẻ, bạn cũng có thể để sách ở những khu vực khác trong nhà, ví dụ, một chiếc kệ nhỏ cạnh sô-pha phòng khách, phòng đồ chơi hay mang theo sách trên xe ô-tô. Nếu có sân vườn, hãy để một bộ bàn ghế gỗ và kệ sách gần đó để cùng trẻ đọc sách trong khi tận hưởng không gian thiên nhiên.
4. Cùng trẻ vào bếp
Luyện đọc khi nấu ăn? Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng bạn hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ đọc khi cùng trẻ vào bếp. Hãy lựa chọn những cuốn sách nấu ăn dễ hiểu và có hình ảnh minh họa. Trong khi nấu ăn, hãy nhờ trẻ đọc các
công thức và cùng bạn chuẩn bị nguyên liệu. Đây là cách bạn giúp trẻ luyện kỹ năng đọc, đồng thời nâng cao vốn từ (ví dụ về các đơn vị đo lường, các loại thực phẩm) và khả năng nhận biết đồ vật. Cha mẹ cũng có thể dạy trẻ về việc duy trì chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh và giải thích nguồn gốc của các nguyên liệu khi cùng trẻ vào bếp. Từ đó, không chỉ việc đọc sách trở nên thú vị hơn mà trẻ còn có thời gian gắn kết cùng gia đình.
5. Tham gia thử thách đọc sách
Bạn đã nghe qua các thử thách đọc sách phổ biến trên mạng xã hội? Để trẻ tham gia thử thách cũng là một cách khơi dậy niềm yêu thích đọc sách của trẻ. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Phillippa Lally thuộc đại học University College London, thời gian trung bình chúng ta cần để hình thành một thói quen mới là 66 ngày. Hãy tạo một thử thách đọc sách trong 66 ngày cùng trẻ, thực hiện với nhiều thể loại khác nhau,
ghi nhật ký quá trình thông qua việc viết cảm nhận sách, vẽ tranh hay chụp ảnh. Sau khi trẻ hoàn thành một cuốn sách, hãy tặng một phần quà nhỏ như lời khen dành cho trẻ.
6. Tận dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh sách giấy, cha mẹ có thể cân nhắc tận dụng công nghệ thông tin, bằng cách cho trẻ đọc sách online hoặc
audiobooks - sách có hiệu ứng âm thanh và lồng tiếng. Hình thức này sẽ khiến việc đọc sách trở nên mới mẻ và thêm phần thú vị, giúp trẻ hòa mình vào thế giới của sách thông qua hình ảnh minh họa sinh động và âm thanh. Audiobooks còn giúp trẻ luyện kỹ năng nghe, phát âm từ vựng và bắt chước giọng điệu của người kể chuyện. Tuy nhiên, hãy lưu ý thời lượng để trẻ tiếp cận với các thiết bị màn hình điện tử phù hợp để tránh gây hại cho sức khỏe.
7. Thường xuyên đến thư viện, nhà sách
Đi thư viện và nhà sách địa phương là một hoạt động bổ ích mà bạn có thể làm cùng trẻ vào thời gian rảnh rỗi hoặc cuối tuần. Không gian yên tĩnh tại thư viện sẽ phù hợp để trẻ khám phá kho tàng sách phong phú. Nhiều nhà sách còn có các sự kiện ký tặng sách, hay hoạt động cho trẻ em như tô màu, vẽ tranh vô cùng bổ ích và thú vị. Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng xã hội khác như tự mình mượn sách, nói chuyện với thủ thư, sử dụng các dịch vụ của thư viện, hay kết thêm bạn mới.
Nguồn bài viết:
Twinkl Educational Publishing