Ứng dụng dữ liệu không gian mở để hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ
“Lifeline Assistance” - giải pháp sử dụng dữ liệu không gian, công cụ và dịch vụ mở để xây hệ thống đánh dấu, hỗ trợ người cần giúp đỡ của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân, vừa giành giải Nhất cuộc thi OSM Hackfest 2023.
Vòng chung kết cuộc thi ứng dụng dữ liệu mở “Open-Source Software & Maps Hackfest Việt Nam” - OSM Hackfest 2023 vừa diễn ra tại Đại học Mỏ - Địa chất.
Trong lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi hướng đến chủ đề nâng cao nhận thức và kỹ năng làm chủ các công nghệ, nền tảng mã nguồn mở, bản đồ và dữ liệu mở trong thời đại chuyển đổi số với mục tiêu vì cộng đồng cho sinh viên khối ngành CNTT, khoa học máy tính, kỹ thuật.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hồng Sơn, Trưởng khoa CNTT của Đại học Phenikaa, Chủ tịch Câu lạc bộ, Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA), đơn vị đồng tổ chức cuộc thi, các đội sinh viên tham gia OSM Hackfest 2023 đã mang đến rất nhiều ý tưởng và sản phẩm khai thác dữ liệu không gian mở và các nền tảng mở phục vụ các mục tiêu cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững...
Qua cuộc thi, các bạn sinh viên công nghệ đã có cơ hội được sáng tạo, học tập, tiếp thu và thể hiện năng lực và kỹ năng về dữ liệu mở và công nghệ mở trong những dự án theo chủ đề mà đội mình lựa chọn.
Chủ tịch VFOSSA Ngô Hồng Sơn phát biểu tại chung kết cuộc thi OSM Hackfest 2023. (Ảnh Ban tổ chức cung cấp)
Trong khuôn khổ vòng thi chung kết, 12 đội sinh viên công nghệ đến từ 4 trường: Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Phenikaa, Đại học Giao thông vận tải và Đại học Duy Tân đã thuyết trình về dự án của đội mình trước các thành viên Ban giám khảo.
Kết quả chung cuộc, dự án “Lifeline Assistance” - Hệ thống hỗ trợ đánh dấu và cứu trợ cho những nơi gặp nạn hoặc những người cần giúp đỡ của nhóm DTU-DZ gồm 5 sinh viên khoa CNTT, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã được chọn trao giải Nhất cuộc thi OSM Hackfest 2023.
Đại diện Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội DTU-DZ đến từ khoa CNTT, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Nhóm sinh viên vừa giành giải Nhất gồm có Trưởng nhóm Lê Thanh Trường và các thành viên Trương Công Thạch, Trần Trung Trực, Nguyễn Ngọc Khánh và Phùng Văn Mạnh.
Chia sẻ về lý do lựa chọn triển khai dự án “Lifeline Assistance”, nhóm sinh viên khoa CNTT, Đại học Duy Tân cho biết, hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng và gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân.
Cụ thể hơn, hiện tượng biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra những thiên tai nặng nề làm chất lượng đời sống và kinh tế của một số nơi gặp khó khăn. Ngoài ra, một số nơi trên thế giới còn đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do chiến tranh gây ra. Các cuộc xung đột này không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất mà còn khiến hàng triệu người mất đi nguồn thu nhập và nhu yếu phẩm cần thiết để sống.
Các đối tượng trên đều có đặc điểm chung là cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của xã hội nói riêng cũng như các tổ chức quốc tế nói chung để có thể vượt qua những khủng hoảng này. Mặc dù tổ chức quốc tế đã ban hành những chính sách hỗ trợ cho các vấn đề như thiên tai, chiến tranh nhưng để phân bổ nguồn lực đó kịp thời, đúng chỗ đúng lúc còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc xây dựng một chương trình với mục đích để giúp đỡ và cứu trợ những khu vực phải chịu đựng những thảm họa và xung đột là một điều cần thiết.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm sinh viên Đại học Duy Tân có ý tưởng sử dụng dữ liệu không gian, công cụ và dịch vụ mở để xây dựng một hệ thống giúp đánh dấu và hỗ trợ những người cần giúp đỡ, xác định định vị và đánh dấu vị trí của các địa điểm cần giúp đỡ. Với hệ thống này, các trung tâm cứu trợ và cứu hộ được xác định trên bản đồ sẽ đến để giúp đỡ những người gặp nạn ở vùng gặp nạn một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, hệ thống còn áp dụng các công cụ như Mapbox Studio và dịch vụ Nominatim để hiển thị và xác định vị trí cần giúp đỡ một cách linh hoạt, chính xác.
Kết quả cuộc thi ứng dụng dữ liệu mở OSM Hackfest 2023.
Bên cạnh giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên Đại học Duy Tân, Ban tổ chức còn trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Triển vọng cho dự án của các đội sinh viên khác. Cụ thể, giải Nhì đã được trao cho 2 đội sinh viên GDSM HUMG và CNTT CLCK66 cùng của Đại học Mỏ - Địa chất. Dự án của các đội PGDC (Đại học Phenikaa), PKA-AioT (Đại học Phenikaa) và Overthinking (Đại học Giao thông vận tải) đều được trao giải Ba của cuộc thi.
Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi ứng dụng dữ liệu mở “Open-Source Software & Maps Hackfest Việt Nam” sẽ được tổ chức thường niên. Qua đó, góp phần hưởng ứng phong trào phần mềm tự do nguồn mở nói riêng và các công nghệ mở nói chung, trong đó có dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu không gian mở.
“Cách tiếp cận nguồn mở giúp chúng ta có thể làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ của riêng mình và góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi rất vui khi thấy các trường, sinh viên hưởng ứng cuộc thi này, mở hướng cho các em sinh viên dấn thân vào con đường phát triển phần mềm nguồn mở để làm chủ công nghệ trong tương lai”, Chủ tịch VFOSSA Ngô Hồng Sơn nhấn mạnh.
(Nguồn:https://vietnamnet.vn/ung-dung-du-lieu-khong-gian-mo-ho-tro-cong-tac-cuu-nan-cuu-ho-2171236.html)