Vì sao vợ chồng nhạt hơn người dưng?
Vì thế, trong hôn nhân đôi khi xuất hiện những khoảng lặng vô hình. Nếu không biết cách vượt qua những khoảng lặng này, cuộc sống vợ chồng sẽ đi vào lối mòn, gây nhàm chán cho những người trong cuộc, thậm chí đe dọa hôn nhân. Và bí quyết là: Mình phải tự cứu mình trước…
“Có chuyện gì đâu mà nói”!
Chị Nga, mỗi lần đi chơi chung với đám bạn hồi
phổ thông về thường phàn nàn với chồng: “Sao đi với bạn của em mà anh cứ ngồi phỗng ra thế? Chồng người ta thì giao lưu hoạt bát, còn chồng mình thì cạy miệng không nói nửa lời!”.
Nhiều lần nghe vợ so sánh mình với “chồng người ta”, anh Tân nổi đóa: “Sao hồi đó cô không đi mà lấy cái người hoạt bát ấy? Có chuyện gì đâu mà nói”! Thấy chồng làm căng, chị Nga im lặng. Từ đó, mỗi khi gặp bạn hay họp lớp, chị chỉ đi một mình.
Chị Nga tâm sự: “Hồi trước, anh ấy không như vậy. Bây giờ, đi làm về, ngay cả trong bữa cơm anh ấy cũng chẳng chuyện trò. Mãi rồi hai vợ chồng chẳng có chuyện gì để nói, ngoài chuyện nhà, chuyện con cái”. Nhiều khi giận chồng, chị Nga làm mặt lạnh. Anh hỏi han vài câu rồi thôi. “Có mấy lần mình hỏi: Sao đi với đồng nghiệp thì anh vui vẻ, nói chuyện huyên thuyên, còn với vợ lại rất kiệm lời. Ảnh ậm ừ, vợ chồng hiểu nhau quá rồi, có chuyện gì nữa đâu mà nói!” - chị Nga bức xúc...
Còn Nguyệt Thu và Hoài Nam - đôi vợ chồng trẻ thành đạt, cuộc sống của họ dường như đã được xếp lịch sẵn: cả ngày đi làm, tối về ăn cơm chung với nhau, sau đó Thu chơi với các con, còn Nam lại tiếp tục giải quyết công việc trên mạng, vì anh là giám đốc điều hành của một công ty chuyên về phần mềm.
Cuối tuần, cả nhà về ăn cơm ở bên nội hoặc ngoại. Thu tâm sự: “Thấy chồng bận bịu công việc quá cũng thương, nhưng nhiều khi cũng... giận. Đôi lúc mình muốn hai vợ chồng gửi con cho ông bà để đi đâu đó “hâm nóng tình yêu” nhưng rồi kế hoạch bất thành vì những dự định, dự án của công ty anh ấy! Cứ như thế, riết rồi mình thấy... nhàm, thấy cuộc sống trở nên đơn điệu”. Còn Nam, đôi khi thấy vợ mình nổi quạu vô cớ, trách chồng mê việc hơn vợ con, anh cũng muốn “đền bù” cho vợ con một chuyến du lịch nước ngoài hay đi về miền quê nào đó để đổi gió, nhưng lần lữa mãi mà vẫn chưa thực hiện được.
Nhiều cặp vợ chồng ngày càng xa cách (Ảnh minh họa)
Dù người ngoài ai cũng khen Thu tốt số, hạnh phúc viên mãn nhưng cô lại cảm thấy cuộc sống của mình “thiếu thiếu một cái gì đó” khi càng ngày cô và chồng cũng ít chia sẻ với nhau. Thậm chí nhiều khi thấy chồng căng thẳng, buồn bực, Thu có hỏi nhưng chồng cô chỉ ậm ừ: “Chuyện ở công ty ấy mà, có nói em cũng đâu có hiểu”!
Những khoảng lặng... chết người
Có người nói vui, khi yêu cả hai cùng nhìn về một phía; lấy nhau rồi, có khi cả hai còn không thèm… nhìn nhau! Cuộc sống hiện đại đã làm nhiều cặp vợ chồng quay cuồng với công việc, với “cơm - áo - gạo - tiền” khiến họ không còn thời gian dành cho nhau. Với chị Thủy - giám đốc một doanh nghiệp chuyên về trang trí nội thất, từ ngày chị mở công ty riêng, hai vợ chồng gần như không ăn chung với nhau vì ai cũng bận. Hồi mới cưới, chị Thủy chỉ ở nhà “tề gia nội trợ”, chăm sóc con cái, làm hậu phương vững chắc để chồng điều hành công ty.
Mấy năm sau, thấy ở nhà mãi cũng buồn, chị quyết định làm ăn riêng. Khéo giao tiếp lại giỏi buôn bán nên chị Thủy nhanh chóng ăn nên làm ra. Khổ nỗi, từ ngày vợ thành sếp, chồng chị ít có cơ hội được ăn cơm nhà vì lúc thì vợ bận tiếp khách, lúc lại kẹt công việc đột xuất. Một ngày, hai vợ chồng chỉ gặp trước khi... đi ngủ. Nhiều khi anh chưa kịp hỏi han công việc của vợ thì đã thấy chị nằm lăn ra ngủ vì mệt. Đến một hôm, chị Thủy bị bệnh. Ở nhà một tuần, được chồng chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, chị bỗng nhận ra đã từ rất lâu, chị mới được tận hưởng lại cái không khí gia đình thuở nào. Cũng may là chồng chị hiểu và thông cảm, nếu không sẽ chẳng biết được điều gì sẽ xảy ra trong tổ ấm của mình...
Còn trong gia đình ông Bảo, từ lúc đứa con trai đi du học, vợ chồng ông dường như sống trong hai thế giới riêng biệt, mặc dù vẫn ở chung nhà. Vợ chồng ông lúc trẻ không hợp nhau, thường khắc khẩu nhưng nhờ có “sợi dây” con cái kết nối nên vẫn “sóng yên biển lặng”. Nhưng từ khi chỉ còn hai vợ chồng, căn nhà của họ trở nên trống trải hơn. Bà nghỉ hưu trước ông nên chỉ thui thủi ở nhà, còn ông vẫn đương chức, vì vậy họ chỉ gặp nhau vào bữa cơm tối. Ăn cơm xong, nói chuyện qua quýt với nhau vài câu rồi ai về phòng người nấy. Tâm sự với mấy bà bạn cùng tập thể dục buổi sáng, vợ ông Bảo than thở: “Vợ chồng gì mà còn nhạt hơn người dưng. Nhiều lúc tôi cũng muốn “hâm” lại tình yêu cho “nóng” nhưng ổng bất hợp tác, thành ra sống chung nhà nhưng lại thấy cô đơn, trống vắng làm sao ấy...”.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự nguội lạnh trong đời sống vợ chồng ở một thời điểm nào đó là điều tất yếu của cuộc sống. Trong những khoảng thời gian này, nếu chúng ta không ý thức “hâm nóng” lại thì sẽ làm cho cuộc hôn nhân trở nên nguội lạnh. Điều quan trọng là, chúng ta phải biết được “nhiệt độ” của cuộc hôn nhân đang ở mức độ nào và trước khi muốn “hâm nóng”, phải xem “còn cái gì để hâm hay không”. Tất nhiên, sự “hâm nóng” muốn hiệu quả cũng cần xuất phát từ thiện chí của cả vợ và chồng.
Bỗng nhiên một ngày, người bạn đời trở nên nguội lạnh! Điều gì đã xảy ra khiến chàng thay đổi? (Ảnh minh họa)
Khi tình cảm đi “trú đông”
Bỗng nhiên một ngày, người bạn đời trở nên nguội lạnh! Điều gì đã xảy ra khiến chàng thay đổi? Bộ não của bạn bắt đầu hoạt động dữ dội, tập trung hàng trăm “dữ liệu” để đặt ra những “tình huống” xấu nhất có thể: Chàng có bồ? Chàng chán mình, hết yêu mình? Hay... Chàng chê mình già, mình xấu, mình nhăn nheo? v.v...
Khoa học đã chứng minh, một phần não của phụ nữ lớn hơn đàn ông. Do vậy, phụ nữ thường rất hay suy nghĩ và nhạy cảm hơn. Còn đàn ông lại có những luồng cảm xúc riêng rẽ khác nhau khi suy nghĩ, vì thế họ rất miễn cưỡng nói về tình cảm/trạng thái của mình. Và khi chàng của bạn rơi vào tình trạng trên, có nghĩa là chàng đang muốn... “trú đông”. Không vì lý do cụ thể nào cả. Thậm chí ngay cả khi vợ chồng bạn đang sống hạnh phúc, không mâu thuẫn, không xung đột, chàng cũng cảm thấy cần những phút giây tách ra khỏi vợ chỉ để được... một mình. Đây là một khoảng lặng cần thiết trong đời sống hôn nhân mà không phải ai cũng hiểu được, nhất là phụ nữ chúng ta.
Tình cảm con người không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Nó luôn luôn thay đổi: Gần rồi lại xa, lên cao rồi lại xuống thấp. Đó gọi là quy luật dao động trong tình cảm con người. Trong khi phụ nữ lại luôn cần tình yêu, khao khát sự quan tâm, yêu thương và sẻ chia. Khi chồng đột ngột “trú đông”, người vợ không tránh khỏi cảm giác bị tổn thương, bị bỏ rơi, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Cũng dễ hiểu, vì mỗi lần như thế, vợ chồng không nói chuyện với nhau nhiều, cảm giác ăn chung mà ít nói chuyện, ngủ chung mà chẳng đầu gối tay ấp... đáng sợ lắm!
Thế nhưng, là phụ nữ, bạn cần hiểu rằng, nếu người đàn ông không có cơ hội để tách mình ra, anh ấy sẽ không bao giờ cảm nhận được sự khát khao muốn gần gũi bên người bạn đời. Nếu bạn cứ đòi hỏi duy trì sự thân mật liên tục, anh ấy sẽ... bỏ trốn! Bởi trên thực tế, người đàn ông luôn có sự dao động tự nhiên giữa tự do và thân mật. Và, một khi chàng muốn về với ốc đảo của mình, hãy để chàng yên tĩnh.
Nếu bạn muốn có một gia đình đầm ấm, hòa thuận, hương lửa luôn mặn nồng, hãy nhớ chu kỳ dao động này của chàng, nhớ những điều chàng “sợ”, đừng “truy đuổi” gắt gao, không cấm vận, không trừng phạt, không dỗi hờn, đừng tỏ vẻ lạnh lùng xa cách. Hãy quan tâm chăm sóc chàng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, đừng hỏi tại sao, đừng hoài nghi. Bởi vì, nếu ở những khoảng lặng ấy, chàng đã thờ ơ, bạn cũng hững hờ, cùng buông tay và cùng không nghĩ về cái chung thì chắc hẳn gia đình sẽ đứng trên bờ vực tan vỡ.