Vòng xoáy tình yêu (Tác giả: Thanh Điểu/ Dịch giả: Phạm Thanh Hương)
duckon88 > 03-11-2011, 01:42 AM
Giang Nam có thể coi là một mảnh đất mưa thuận gió hòa, cỏ cây tươi tốt. Cơn mưa dịu dàng của Giang Nam không thể níu giữ bước chân anh. Anh đến đây là để tìm em! Nhưng giờ em đang ở đâu?
Em đang ở đâu?
Anh dừng chân trên đường Thanh Thạch Bản, ngây người nhìn ngắm những vũng nước đọng trên mặt đường.
Đến nhà họ Mục được một năm anh đã biết, nhà họ Mục có một đứa trẻ bất hạnh. Bố nuôi dắt tôi đến trước cái nôi và bảo tôi nhìn nó. Cậu bé yếu ớt kia thật là tội nghiệp. Bên má trái, dưới cằm, trước ngựa, cả cánh tay trái của nó đều bị lửa thiêu để lại những vết sẹo đỏ ỏn, lớp da bị bỏng nhăn nheo. Đứa trẻ đó yếu ớt đến nỗi không thể khóc thành tiếng.
Đó là một đứa trẻ mới sinh, nó đến với thế giới này chỉ mới được có vài ngày, sao lại có người tàn nhẫn đối xử với nó như vậy nhỉ? Mọi ân oán trên đời này đều là do những người trưởng thành gây ra, nhưng bi kịch lại xảy đến với một sinh linh bé nhỏ và yếu ớt, khiến cho người ta cảm nhận được tận cùng của nỗi đau.
Mục Hoa Nhiên là bố nuôi của tôi, tổ tiên từ đời nhà Thanh đã làm nghê buôn bán tơ lụa. Gia nghiệp được truyền lại cho đến tận đời của ông, tiếng tăm vang lừng khắp nơi. Các cửa hiệu buôn bán của ông không thể đếm hết bằng đầu ngón tay. Bố nuôi tôi có đầu óc nhanh nhạy của một người làm ăn buôn bán, khi trào lưu buôn bán với nước ngoài ở trong nước vẫn còn chưa phát triển thì ông đã làm ăn với rất nhiều thương gia nước ngoài. Tuy nhiên, xưa nay những người tài giỏi thường không được lòng người, nghĩa phụ là một cây đại thụ trong giới thương nhân, đương nhiên khó tránh khỏi có kẻ tìm cách hãm hại ông.
Năm đó, nghĩa phụ liên tiếp nhận được mấy đơn đặt hàng của nước ngàoi. Con người ta cứ uống rượu vào là lâng lâng, có người nịnh nọt, có kẻ đố kị….vô tình bố nuôi tôi đã gieo rắc mầm họa cho chính mình. Kẻ đó miệng nam mô bụng bồ dao găm. Hắn cố ý giới thiệu cho bố một người phụ nữ xinh đẹp và khéo ăn nói. Bố nuôi tôi nào ngờ tự rước họa vào thân. Ban đầu ông tìm cách giấu diếm người vợ đang mang thai sáu tháng của mình. Nào ngờ người đàn bà ấy cực kì nham hiểm, bỏ tiền thuê người tạt axit vào người vợ đang mang thai bảy tháng của bố nuôi, khiến toàn thân bà bị thương tật đến tám mươi phần trăm, đáng nói hơn nữa chuyện này còn gây nguy hiểm cho cái thai ở trong bụng của bà. Vì vậy, lần đầu tiên đến nhà họ Mục, tôi đã nhìn thấy một sinh linh yếu ớt được bọc kín trong tã, còn cả một người phụ nữ bị thiêu đốt đến không còn hình người.
-Bà ấy bị điên rồi!- nghĩa phụ đau xót nói với tôi.
-Mẹ nuôi chắc là đau đớn lắm!- tôi nhìn người phụ nữ điên khùng băng bó khắp người, trên ga trải giường còn dính đầy thuốc tím và chất dịch chảy ra từ những vết thương, nụ cười trên khuôn mặt của bà ngây ngô như một đứa trẻ.
-Là bố có lỗi với mẹ con!- khuôn mặt ông ánh lên sự hối hận và đau khổ.
-Mẹ đã thành ra như thế này rồi, vậy thì đứa bé kia thì sao?- Không có mấy người phụ nữ có thể chịu đựng được hoàn cảnh này. Đây không chỉ là nỗi đau đớn trên cơ thể, nó còn là sự tuyệt vọng khi dung nhan bị hủy hoại hoàn toàn.
-Bố dẫn họ đến Mỹ là để mời những bác sĩ ngoại khoa tốt nhất để điều trị cho họ!. Thế nhưng mẹ đã bị tâm thần, đứa bé không những không được bú sữa mẹ mà lúc nào cũng hoảng hốt. Mẹ con liền khúc ruột, lúc mẹ phát bệnh chắc là đứa bé cũng sẽ cảm nhận được, toàn thân nó sẽ co giật!
-Bố có thuê người chăm sóc nó không?- tôi đưa tay vuốt ve đứa trẻ non nớt trong nôi, trong lòng tràn đầy sự xót xa và tội nghiệp. Tôi tự cảm thấy bản thân mình may mắn hơn nó nhiều.
Bố nuôi nhìn tôi, thở dài nói:- Bố sẽ thuê người chăm sóc nó một thời gian, đợi nó lớn một chút sẽ đưa nó về Trung Quốc, mang gửi người thân chăm sóc. Hi vọng nó có thể tiếp thu nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc.
-Con có thể chăm sóc cho em!- tôi nói như vậy nhưng trong lòng cũng không dám chắc chắn là mình có thể làm được.
Bố lắc đầu: - Bản thân con cũng chỉ là một đứa trẻ. Bố sẽ luôn coi con như con đẻ, đợi sau khi con trai của bố về Trung Quốc, bố hi vọng bên cạnh vẫn còn có người tâm sự với mình!
Bố nuôi đã nhặt tôi về, có lẽ là do tình thương đồng bào. Nhiều lúc tôi không sao hiểu được người đàn ông này, dường như ông ấy rất yêu thương vợ con. Nhưng có những lúc tôi cảm thấy ông ấy yêu việc làm ăn buôn bán, yêu tiền của mình hơn.
Sau khi Cửu Dương được chín tuổi, nghĩa phụ đã cho người dẫn nó về Trung Quốc thật, còn bản thân ông vẫn mải mê với công việc ở châu Âu. Sau khi Cửu Dương về nước được bốn năm, bố nuôi đã sống chung với một phụ nữ gốc Hoa. Người vợ cũ đã được ông đưa vào viện tâm thần. Ông dùng tiền giải quyết những thứ rườm rà. Ông nói là ông đã mệt mỏi rồi, một người sống trong sự tự trách và ăn năn thực sự quá đau khổ, giờ ông muốn bắt đầu lại một cuộc sống mới. Dần dà, tôi không còn nghe thấy cái tên Cửu Dương được thốt ra từ miệng của bố nuôi nữa, cứ như thể đứa bé ấy đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của ông vậy. Tôi không thể đoán được ông ấy là người xấu hay người tốt, nhưng nói chung là bọn họ đối xử với tôi không tồi.
Sau khi trưởng thành, tôi bắt đầu nhớ nhung khôn xiết đối với đứa em trai không cùng máu mủ với mình, bởi vì tôi tồn tại trong một hoàn cảnh cực kì rối ren và phức tạp. Tôi nhớ đến sự thuần khiết, nhớ đến đôi mắt trong veo, nhớ giọng nói lảnh lót của nó. Lần đầu tiên nhìn thấy nó chập chững tập đi, bi bô học nói trước mặt tôi, trái tim tôi bỗng trở nên yếu mềm, thậm chí còn ấm áp hơn cả ánh mặt trời chiếu sáng trên đỉnh núi tuyết. Đứa bé ấy….xinh đẹp và trong sáng như vậy đấy.
Nhưng đến nay, tôi đã mất dấu của nó trong dòng người đông đúc….
Lúc này đang là mùa hạ năm 1997, tôi đứng ngây người trước trạm đón khách của Bắc Kinh. Trên đường xe cộ đi lại tấp nập, đèn đóm sáng trưng, đèn màu liên tục nhấp nháy…nó hoàn toàn khác biệt với một thành phố trái tim của Trung Quốc theo những lời kể của du khách nước ngàoi. Nói như cách của người Bắc Kinh thì: Mười năm trước và mười năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Sự phát triển kinh tế, văn hóa với tốc độ cao, thậm chí ngay cả ngành du lịch dịch vụ cũng chẳng có liên quan gì đến tôi hết. Tôi không phải về đây để thăm quan. Số tiền không nhiều còn lại không đủ để tôi có thể thuê một phòng nghỉ, vì vậy tôi phải tìm một công việc càng nhanh càng tốt. Sau đó tôi tìm được một công việc trong cửa hàng ăn uống. Sau khi kí hợp đồng với công ty, thời gian đi làm của tôi được ấn định vào lúc 5 giờ chiếu đến 11 giờ đêm. Như vậy tôi có thể dùng thời gian ban ngày để đi tìm người tôi muốn tìm.
Mặc dù hi vọng này cực kì nhỏ nhoi.
Nơi tôi làm việc ở gần đồn Tam Lí trên đường Đông Ngũ, ở đây có rất nhiều đại sứ quán của các nước như Thổ Nhĩ Kì, Camerun, Aghentina…Tôi thường xuyên nhìn thấy người nước ngoài đi lại ở đây, nhưng tôi vẫn chưa thể tìm thấy người mà tôi luôn mong nhớ.
Tôi cảm thấy thật là đáng tiếc.
Tìm kiếm như thế này vừa mệt mỏi lại phí công vô ích, chẳng khác gì mò kim đáy bể. Muốn tìm được Cửu Dương ở trong thành phố Bắc Kinh rộng lớn này khó chẳng khác gì tìm đường lên trời.
Nhưng mà tôi quyết không từ bỏ!
Trong sự mông lung dường như có một thứ cảm giác luôn dẫn đường cho tôi. Tôi có cảm giác như Cửu Dương đang ở một nơi nào đó không xa trong thành phố này. Ngày nào tôi cũng nhìn kĩ những người đi ngang qua tôi. Bọn họ đều khác hoàn toàn với một Cửu Dương trong kí ức của tôi. Tôi không ngừng cười nhạo bản thân, thời gian như cái bóng lướt qua khe cửa, chớp mắt mà chúng tôi chia li đã mười mùa đông rồi, Cửu Dương chắc đã không còn là cậu bé nhút nhát, hay xấu hổ năm xưa nữa, có lẽ giờ nó đã là một cậu trai mới lớn rồi. Hết cười nhạo tôi lại tự an ủi bản thân, thế nào mình cũng sẽ tìm ra được Cửu Dương…
Khi mùa đông đến, tôi chuyển nhà một lần. Khi tôi lôi cái va li cũ kĩ đến một con phố cũng cũ kĩ không kém, từ phí cuối ngõ bỗng nhiên có một đám trẻ con chạy ùa ra. Tôi kinh ngạc nhìn theo bọn nhóc cho đến khi chúng chạy biến mất trong ngõ hẽm. Lúc ngoảnh đầu lại, tôi nhìn thấy anh ta. Anh ta mặc một chiếc áo bông bị rách hai chỗ, đám bông ở bên trong áo cứ thi nhau lòi hết cả ra ngoài qua hai cái lỗ ấy. Anh ta tập tễnh đuổi theo đám trẻ con, vừa đuổi vừa quát: -Lũ thỏ đế, có gan thì chớ có chạy, tao giết chết cha chúng mày bay giờ!- Tôi nhìn cậu thiếu niên đi ngang qua mình, máu từ trên mũi cậu ta đang chảy ra. Tôi khẽ thở dài, ở nơi này, mặc dù chỉ cách con đường bên cạnh với những tòa nhà cao tầng đẹp đẽ, những nhà hàng, khách sạn sang trọng có một cái ngõ nhỏ mà hai con đường như hai thế giới hoàn toàn cách biệt.
Đây là Bắc Kinh, là nơi tôi hướng về, nơi tôi biến mất, nơi tôi ôm ấp, nơi tôi lẩn tránh, nơi tôi yêu thương bất chấp sống chết….
Sau khi đến đây tôi mới biết rằng Bắc Kinh có rất nhiều khách vãng lai. Nghe nói mỗi năm đều có rất nhiều người chết tại Bắc Kinh. Nhưng tôi vẫn đến đây, thậm chí loáng một cái đã ở đây được hai năm rồi.
Cuối năm 1999, trước thềm thiên niên kỉ mới, đâu đâu cũng thấy con người tổ chức ăn mừng. Tôi đã chuyển từ đồn Tam Lí đến Đông Tam Hoàn, chuyển đến làm thuê cho một quán ăn hương vị Đông Nam Á. Sau ba giờ chiều chính là thời gian nghỉ ngơi, trong quán ăn không có khách. Tôi ngồi vào bàn hướng về phía mặt trời và nghịch những sợi dây đàn. Người bạn duy nhất của tôi hai năm nay chính là cây đàn ghi ta này.
Cậu Tam đang quét dọn đột nhiên lao ra cửa và hét lên: -Đi đi đi! Không có tiền mua thì chớ xuất hiện ở đây, nước dãi đang chảy ra rồi kìa!
Tôi ôm cây ghi ta chạy ra xem. Bên ngoài cửa là một thân hình nhỏ thó, gầy guộc đang run rẩy trong gió rét. Đó chính là một cô gái khoảng mười bốn, mười năm tuổi. Toàn bộ sự chú ý của cô bé ấy đều tập trung trên những bức ảnh chụp các món ăn ngon dán trên cửa kính của cửa hàng, cổ họng liên tục nuốt nước bọt, đôi mắt thèm khát như đang phát ra hào quang ánh sáng.
Cậu Tam ra sức đuổi cô bé đó như đuổi ăn mày.
Tôi giơ tay ra chặn cậu ấy lại rồi bảo: -Hình như là cô bé này đói lắm rồi!
-Không phải anh định giữ nó lại đấy chứ? –Cậu Tam bĩu môi hỏi.
Tôi ngẩn người ra chốc lát, đúng lúc cô bé đó ngẩng đầu lên nhìn tôi. Toàn thân tôi bỗng nhiên run rẩy.
Trái tim đã tê dại rất lâu rồi của tôi bỗng nhiên xao động. Tại sao? Cô bé đó có gì đặc biệt mà lại có thể làm rung động trái tim tôi?
Đôi mắt của cô bé chăng?
Có lẽ là do ánh sáng phản chiếu từ đôi mắt lạnh tanh của cô bé đó. Ánh mắt lạnh băng và trong veo như làn nước, thậm chí còn tinh khiết hơn cả lớp tuyết trắng tinh quanh năm bao phủ trên đỉnh núi Tanggula. Trong đầu tôi cố sức tìm kiếm một thứ gì đó giống như vậy, một thứ gì đó đã từng làm lay động trái tim tôi. Cuối cùng tôi phát hiện ra ánh mắt ấy cực kì giống với ánh mắt của con mèo hoang mà tôi đã từng nhặt nuôi. Tôi cứ tưởng rằng mèo là một loài vật kì lạ, lạnh lùng và khó gần, thế nhưng trước bảy tuổi tôi đã từng nhặt nuôi một mèo nhỏ màu trắng gầy yếu. Lúc ấy còn mèo đói lắm rồi. Tôi liền nhặt một cái thùng giấy bỏ đi rồi mang nó về nhà, hi vọng mẹ sẽ cho nó một chút cơm để ăn. Mẹ cho tôi một bát cơm đầy và nửa con cá nhỏ, tôi ngồi bên góc tường và nhìn con mèo ăn ngấu nghiến cho đến khi trong bát cơm không còn thừa lấy một hạt.
Thế nhưng tôi không thể nuôi nó. Ngoài việc cho nó một bữa cơm no ra, tôi không thể cho nó bất kì thứ gì khác.
-Tại sao không thể nuôi nó ạ?- tôi vật nài van xin mẹ, hi vọng mẹ sẽ đồng ý cho tôi giữ nó lại.
-Trong nhà không có nhiều thức ăn để nuôi nó, chúng ta phải mang nó đi cho người khác thôi!- mẹ ra lệnh, và tôi không thể không nghe. Tôi lại nhét con mèo con vào trong thùng giấy, hậm hực đặt nó ở một nơi rất bắt mắt trên đường, hi vọng có người qua đường nào đó tốt bụng sẽ nhặt nó về nuôi. Nửa đêm trời đổ mưa, cái lạnh của những cơn mưa mùa thu như ngấm vào sâu trong da thịt. Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Màn đêm bên ngoài phản chiếu cái bóng đen sì của tôi trên cửa kính. Tôi không thể nhìn thấy bóng dáng của con mèo nhỏ ấy nhưng dường như lại nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của nó. Tiếng kêu ấy từ từ bóp nghẹt trái tim tôi, khiến cho tôi cảm thấy vô cùng bất an, dường như nó đang oán trách tôi, tại sao lại cứu nó, tại sao lại cho nó hi vọng? Cho nó một bữa cơm rồi lại mang vứt bỏ nó, đó chính là sự phản bội vô tình trước sự tín nhiệm của nó. Đại Linh Tử cũng từng oán trách tôi, nói rằng tôi chỉ có sự thương hại mà không có trách nhiệm, thường xuyên bố thí và phản bội người khác.
Tôi cười cay đắng, lẽ nào tôi lại đang muốn bố thí và phản bội cô bé này giống như con mèo nhỏ năm đó? Không, tôi không muốn như vậy. Như thế chẳng khác gì nhìn thấy một người đang lơ lửng trên vách núi, vật lộn giữa sự sống và cái chết, bản thân mình vươn tay ra kéo cô ấy lên nhưng lại bỏ cuộc giữa chừng vì mình không có đủ khả năng. Điều này thậm chí còn tàn nhẫn hơn cả việc nhắm mắt bịt tai coi như không nhìn thấy. Nếu như không giúp được thì đừng giúp, mang cho cô ấy hi vọng rồi lại phản bội niềm tin của cô ấy, như vậy càng đáng ghét hơn!
Tôi vỗ vai cậu Tam rồi không nói gì thêm mà quay người bỏ đi.
Gần nửa đêm, cửa hàng dần dần vắng khách. Tôi cất cây ghi ta của mình rồi đi xuống khỏi sân khấu. Cậu Tam vừa thu dọn bàn ghế vừa bĩu môi nói với tôi:
-Con nhóc đó vẫn chưa đi đâu!
Tôi ngoảnh đầu lại, nhìn thấy bên kính cửa sổ là một cái bóng bé nhỏ đang co ro…-Tôi đi ra ngoài hút điếu thuốc!- tôi đeo cây đàn ghi ta lên vai rồi đẩy cửa ra ngoài. Một cơn gió lạnh luồn vào cổ tôi khiến tôi bất giác rùng mình. Lạnh quá! Sắp đến tết rồi, bầu trời âm u đang có dấu hiệu của những trận tuyết.
Tôi sờ vào túi áo trước ngực, lôi ra một hộp thuốc, nhìn thấy bên trong chỉ còn sót lại một điếu duy nhất. Đang định ra ngoài mua một bao thuốc, vừa xuống đến bậc cầu thang đã đụng mặt cô bé đó.
Đáng ghét thật, đừng dùng ánh mắt đang thương đó nhìn tôi!
Tôi ngầm chửi rủa ở trong lòng, bởi vì tôi không thể chịu đựng được ánh mắt đó. Ánh mắt trong veo và đáng thương ấy, hai con ngươi to tròn khiến cho tôi chợt nhớ đến Cửu Dương.
Đôi chân tôi bất giác hướng về phía cô bé đó, tôi khẽ nói: -Muốn ăn gì đó thì theo tôi!- cuối cùng, tôi vẫn làm chuyện ngu ngốc đó! Cũng giống với như lúc trước với con mèo hoang nọ, tôi không hề nghĩ đến việc tiếp theo sau khi cho cô bé này một bữa ăn.
Tôi dẫn cô bé này ra nhà bếp phía sau, tìm một phần cơm cà ri mà thực khách gần như không hề động đũa cho cô bé đó. Cô bé ăn ngấu nghiến giống hệt như con mèo hoang năm nào, chắc là cô bé này đói lắm rồi!
Đúng lúc ấy cậu Tam đẩy xe chở dụng cụ ăn vào, hết nhìn cô bé lại nhìn sang tôi: -Anh đúng là một “người tốt bụng” đấy!- tôi biết đó là một lời mỉa mai, ý của cậu ta là: “Anh chớ có tự gây phiền phức cho bản thân!”
Nhìn đĩa thức ăn sạch trơn, tôi hỏi cô bé đó:
-Đã no chưa?
Cô bé gật đầu.
Nhưng dường như cô bé này chẳng có ý định rời đi. Tôi không đủ nhẫn tâm để đuổi những người như thế này, thế nên đành chọn cách không đếm xỉa gì đến cô bé đó nữa rồi một mình đi ra đằng sau. Phía sau nhà ăn là một khu nhà trọ cho nhân viên của cửa hàng, tôi giờ chỉ muốn quay về với cái phòng nhỏ của mình. Vừa lấy chiều khóa mở cửa tôi đã nhìn thấy cô bé đó đang ngây người đứng phía sau tôi.
-Sao vẫn còn chưa đi?- tôi hỏi.
Cô bé lắc đầu.
-Không có nhà để về?- tôi hỏi tiếp, hỏi xong mới phát hiện ra câu hỏi này thật ngốc nghếch. Nếu như không phải cô bé không có nhà để về thì đâu cần phải đi ăn xin?
Cô bé đó vẫn lắc đầu.
-Câm à?- tôi thấy trong lòng có chút khó chịu. Cô bé đó không gật đầu nhưng cũng không lắc đầu, chỉ im lặng nhìn tôi. Tôi mở cửa bước vào nhưng không khóa cửa lại. Cô bé đó vẫn đứng bên ngoài cửa, không bỏ đi nhưng cũng không bước vào phòng.
Thật là giống một con mèo hoang.
Mùa đông ở Bắc Kinh lạnh thấu xương. Đêm xuống, những giọt sương đông lại tạo thành một lớp băng trên mái ngói. Tôi không có đủ kiên nhẫn để “giết thời gian” với cô bé đó, thế nên dứt khoát đóng cửa lại và đi ngủ. Dường như cánh cửa ấy đóng chặt lại sẽ có thể chặn lại mọi phiền toái và bực bội ở bên ngoài. Thế nhưng tôi chẳng thể yên tâm. Tôi trằn trọc không sao ngủ được.
Tôi nghĩ: Cô cứ đợi đi, chỉ cần cô dám gõ cửa thì tôi sẽ cho cô vào!
Nhưng ở bên ngoài cửa vẫn không có động tĩnh gì!
Thuốc lá đã hết sạch, tôi định ra ngoài mua một bao khác. Vừa ra đến cửa đã bị cái gì đó ngáng chân.
Cô ấy vẫn còn ở đây?
Chẳng may đá vào người khiến cho cô ấy bừng tỉnh. Cô vội vã đứng dậy, hoang mang nhìn tôi như một chú nai con. Nhìn khuôn mặt nhỏ trắng bệch ấy, tôi lại thấy có chút mềm lòng. Đôi môi của cô tím ngắt đi vì lạnh, thân hình gầy gò đang run lẩy bẩy.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy bản thân mình thật quá tàn nhẫn, đó chẳng qua chỉ là một cô bé. Nghĩ vậy tôi liền vẫy tay: -Thôi vào phòng đi!- vừa nói vừa đứng tránh sang một bên cho cô bé đi vào, trong lòng không ngừng tự chửi rủa bản thân: cậu Tam nói quả không sai, đúng là tự mình chuốc lấy phiền phức vào người!
Tôi tìm một chiếc áo bông rồi bảo cô bé thay cái áo bông rộng thùng thình đang mặc ra: -Đi tắm nước nóng một cái cho ấm người đi!- cô bé nhìn tôi đầy nghi hoặc, ánh mắt chất chứa sự cảm kích khó mà diễn tả thành lời. Tôi dẫn cô tới nhà tắm công cộng, đẩy cô vào rồi đóng cửa lại: -Nhiệt độ nước đã điều chỉnh cho phù hợp rồi, chỉ cần mở vòi nước ra là được!- nói xong tôi đưa tay lên sờ túi áo theo thói quen, lúc ấy mới nhớ ra là hết thuốc rồi, thế là tôi liền chạy sang phòng cậu Tam ở bên cạnh để xin điếu thuốc.
Sau khi tôi hút hết hai điếu thuốc mới thấy cô bé bước ra khỏi phòng tắm, khuôn mặt xinh xắn rất ưa nhìn, ngay cả cậu Tam cũng phải kinh ngạc. Hóa ra cô bé này lại là một chồi non xinh xắn tựa hoa sen.
-Đây chính là con bé ăn xin đó sao?- cậu Tam kinh ngạc hỏi.
-Đi theo tôi!- tôi kéo tay cô bé đi lướt qua cậu Tam lúc ấy đôi mắt đang đờ đẫn, miệng chảy nước dãi. Vừa đi tôi vừa nói: -Phải lau khô tóc đi, nếu không sẽ cảm lạnh đấy! Hôm nay trời lạnh dưới âm ba độ đấy…
Cô bé này quả thật còn rất nhỏ, giống như một bông hoa sen trắng mới mọc, còn chưa đến lúc hé nở. Tiếng máy sấy tóc vang lên, tôi nhìn vào khuôn mặt non nớt trong gương, cảm thấy con mắt của mình cũng không tồi. Cô bé xinh đẹp này hoàn toàn khác với những cô gái ăn diện, phấn son lòe loẹt trong thành phố, giống như một viên ngọc quý, đẹp tự nhiên mà không cần trải qua quá trình điêu khắc.
-Cô tên là gì?- tôi hỏi rồi lại tự trả lời: -À tôi quên mất là cô bị câm!
-Vậy cô có biết chữ không? Có thể viết ra không?
Cô bé vẫn im lặng.
-Không biết viết hay là sợ tôi biết thân thế của cô?- tôi mỉm cười với cô bé qua tấm gương: -Tên gọi chẳng qua chỉ là một kí hiệu, cô lại chẳng phải là nhân vật lớn, vì vậy không cần phải truy hỏi làm gì!
Cô bé vẫn không lên tiếng.
-Kì lạ thật, thường thì mười đứa điếc sẽ có chín đứa câm, cô chỉ bị câm sao không nghe thấy những điều tôi nói?- tôi thầm nhủ rất có thể cô bé này không phải bị câm bẩm sinh.
Ngày hôm sau, trong nhà bếp có thêm một cô bé làm thuê. Với chiều cao của cô cần phải đứng trên một cái ghế cao mới có thể với tới bồn rửa bát, nhưng cô vẫn cần mẫn rửa bát.
Cậu Tam hỏi tôi: -Làm thế có được không?
-Có gì mà không được?
Ông chủ mà mắng thì làm thế nào? Cô ta vẫn chưa đủ tuổi thành niên mà! Lại còn không có cả chứng minh thư nữa!
-Cậu thật là lắm chuyện!
-Tôi lo xuất thân của nó. Con người rất phức tạp, đâu phải là con chó, con mèo, ngộ nhỡ nó là trộm cắp, lưu manh gì thì sao? Sắp tết nhất đến nơi rồi, nhà hàng đông khách, nhỡ ai bị mất ví tiền thì biết ăn nói sao đây? Tôi nói cho anh biết, hiện giờ những đứa ăn cắp vặt ở Vương Phủ Tỉnh tuổi tác đều xấp xỉ nó đấy!
-Thôi đủ rồi- tôi vội vàng ngắt lời: -Mau đi đón khách đi!
Tôi nhìn cô bé đang mải mê làm việc đến nỗi chẳng để ý đến những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Hơi nước nóng bốc lên khiến cho khuôn mặt bé nhỏ đỏ ửng lên, những giọt mồ hôi dính bết cả vào tóc. Tôi tin vào trực giác của mình, kẻ trộm cắp làm sao có được đôi mắt trong veo như vậy, làm sao có được ánh mắt tinh khiết giống Cửu Dương như vậy được?
Sau khi dọn hàng xong tôi đi tìm cô bé. Lúc này bát đũa đã được rửa sạch và sắp xếp gọn gàng, trên bệ rửa bát đã không còn ai. Ngoảnh đầu lại tôi phát hiện ra một cái bóng bé nhỏ đang ngồi dựa vào góc tường ngủ gật. Chắc là cô bé mệt quá nên mới ngủ quên như vậy. Tôi lại gần, ngồi xuống bên cạnh cô rồi châm một điếu thuốc, ngồi đợi cô tỉnh lại. Trong làn khói mỏng, tôi dường như nhìn thấy một Cửu Dương lúc sáu tuổi đang đi về phía mình, vừa định đứng dậy nhìn cho rõ thì cái bóng ấy đã biến mất. Tôi cười ảm đạm, không biết kiếp này liệu có còn được nhìn thấy Cửu Dương lần nữa không?
-Khụ…khụ…
Tôi vội vàng dập tắt thuốc lá: -Làm em bị sặc à?
Cô bé vội bịt mũi rồi lắc đầu.
-Em từ đâu đến?- tôi nghĩ chắc là cô bé được người khác dẫn đến Bắc Kinh. Mỗi người đều có một điểm xuất phát, tôi nghĩ cái điểm xuất phát ấy chắc cũng không xa nhà là bao.
Cô bé vẫn không chịu lên tiếng, đôi mắt mở to ngơ ngác. Đôi mắt trong veo chỉ thuộc về trẻ con ấy như bị bao phủ bởi ánh sáng màu vàng và sương khói. Tôi bối rối tự hỏi: tại sao con bé miệng còn hôi nữa này lại khiến cho mình hết lần này đến lần khác nhớ đến Cửu Dương?
-Thôi bỏ đi!- tôi dập điếu thuốc rồi đứng dậy: -Về phòng ngủ đi! Về phòng cho ấm!
Đêm xuống…thật yên tĩnh!
Luồng khí lạnh xộc vào mũi, tôi mở to mắt không sao ngủ được, ba cái ghế kê ở bên dưới khiến cho tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Đã nửa đêm rồi, có thể nghe thấy tiếng trở mình của cô bé, còn cả tiếng rên rỉ. Tiếng rên rỉ ấy nghe cứ như tiếng khóc. Tôi tò mò bật đèn lên nhìn cô bé. Nó vẫn không tỉnh, cũng không rơi nước mắt, chỉ là thỉnh thoảng mi mắt rung rung, vẻ mặt vô cùng đau khổ.
-Em nằm mơ thấy ác mộng à?- tôi kéo chăn lên cho nó, tay đặt lên trán xem thử nhiệt độ, hình như là đầu hơi nóng. Cảm giác quen thuộc lúc chăm sóc cho Cửu Dương lại hiện về, tôi thấy trong lòng xót xa. Lúc ấy Cửu Dương vẫn còn nhỏ, nửa đêm thường hay giật mình, thỉnh thoảng lại nằm mơ thấy ác mộng rồi giật mình tỉnh giấc. Thế là tôi liền bế nó vào trong chăn của mình và sưởi ấm cho nó. Thằng bé sẽ thu mình trong lòng tôi. Tôi biết nó cần hơi ấm, cần cảm giác an toàn. Nếu như nói phụ nữ có bản năng làm mẹ thì có lẽ, những gì tôi mang lại cho Cửu Dương chính là sự bảo vệ đối với một con vật nhỏ, nhưng chính nó đã khiến cho tôi trưởng thành. Con người sẽ tỉnh ngộ trước một sinh linh yếu ớt và nhỏ bé hơn mình. Cửu Dương khiến cho tôi nảy sinh một bản năng, một khao khát bảo vệ.Tôi nhìn lên đồng hồ, đã là bốn giờ sáng, đầu óc vô cùng tỉnh táo, tôi không sao ngủ được liền mặc áo khoác ra ngoài hút điếu thuốc.
Đằng sau nhà bếp là một hành lang nhỏ hẹp, nền đất bị các nhân viên phục vụ đi lại đến nhẵn bóng. Màn đêm vô cũng hỗn độn, bầu trời không có một vì sao. Khuôn mặt chợt thấy ươn ướt, tôi đưa tay lên vuốt mặt…tuyết rơi rồi!
Hôm nay là trận tuyết đầu tiên!
Những ngày tháng có cô bé này ở bên khiến tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa. Sắc mặt của cô bé dần dần hồng hào hơn, trông có vẻ mũm mĩm hơn nhiều so với hồi đầu mới gặp. Đây đúng là một điều đáng mừng. Cậu Tam còn thường xuyên nói đùa với cô: -Ê nhóc con, đã dậy thì chưa hả? – cô bé mặt đỏ tía tai, vội vàng khom người lại che đi cái chỗ đang “dậy thì” của mình. Các nhân viên trong cửa hàng cũng dần dần trở nên yêu mến nụ cười của cô, nụ cười thuần khiết và tươi tắn, cho dù không có những lời nói ngọt ngào hoa mỹ vẫn đủ sức làm lay động trái tim con người.
Sau khi mùa xuân đến, tôi phát hiện ra cô bé có bí mật nhỏ. Lúc ấy áo len của cô bị tuột sợi, cổ áo bị hở ra một mảng lớn. Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy những vết thương đó. Lẽ nào đây chính là nguyên nhân cô lẩm bẩm và rên rỉ vào mỗi đêm? Những vết thương ấy như một con thạch sùng xấu xí bám vào làn da mịn màng như ngọc của cô. Tôi kéo cánh tay của cô, hỏi: -Đã có chuyện gì xảy ra vậy?
Cô hoảng hốt né tránh câu hỏi của tôi, vội vàng lấy tay giữ chặt lấy cổ áo.
-Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra?- tôi sốt ruột truy hỏi.
Cô lùi ra sau, vẫn im lặng không lên tiếng.
Tôi quên mất, cô bé không biết nói. Cho dù có dau đớn đến đâu cô cũng chỉ biết im lặng nhẫn nhịn mà thôi.
Thế nhưng tôi đã nổi cáu một cách vô cớ, bỏ mặc cô lại một mình rồi đi thẳng đến quán bar HOP. Đó là một quán rượu ở gần nhà hàng nơi chúng tôi làm việc. Khách đến quán bar này đều là sinh viên của các trường đại học xung quanh. Tôi thường xuyên nhìn thấy các cô sinh viên ăn mặc, chải chuốt vô cùng xinh đẹp xuất hiện ở đây. Họ mặc những chiếc váy bó sát, hở đến mức không thể hở hơn được nữa. Không hiểu họ làm vậy là vì sao, có lẽ là vì họ cần tiền, hoặc cũng có thể là do họ cảm thấy cô đơn. Đương nhiên, trong số những cô gái mắt xanh mỏ đỏ này có không ít người vẫn còn là học sinh trung học.
Lúc này đây tôi đang nhìn thấy một cô.
Cô ta chăm chú nhìn tôi rất lâu, khi tôi gọi đến chai bia thứ tám thì cô ta bắt đầu đi về phía tôi.
-Anh trai đi một mình à?
-Chẳng phải cô đã quan sát tôi cả buổi rồi sao?
-Hóa ra anh cũng biết à?
Cô ta nói chuyện bằng giọng điệu ngọt ngào như mật, chẳng phù hợp với độ tuổi của cô ta chút nào cả.
Tôi đột nhiên nhớ lại những điều mà cậu Tam nói với tôi: bây giờ các gái bar ngày càng táo bạo hơn, chỉ cần lọt vào mắt xanh của họ là họ sẽ chủ động đến xin số điện thoại.
Tôi nhìn cô học sinh trung học mắt xanh mỏ đỏ trước mặt mình, còn cả chiếc váy “siêu ngắn” mà cô ta đang mặc trên người. Tôi đoán cô ta chắc chưa đến mười bảy tuổi.
-Anh không mời em một cốc sao?
Cô ta lả lơi bắt chuyện với tôi khiến cho tôi cảm thấy rất khó chịu. Thế là tôi liền tử tế nói với cô ta: -Anh trai già rồi, không thích hợp với cô em đâu! Nhân lúc còn trẻ thì học hành cho tử tế một chút, đừng có làm mấy chuyện xấu hổ này nữa!
Cô ta nghe thấy vậy lập tức nổi cơn tam bành: -Dây thần kinh của anh có phải bị “mát” quá không hả? Nhìn thì rõ đẹp trai thế mà mở miệng ra lại nói những điều ngu xuẩn quá mức. Đến mẹ tôi còn chẳng có tư cách giáo huấn tôi, anh là cái thá gì chứ? Tốt nhất nên về nhà mà tắm rửa rồi “nghẻo” sớm đi!- dứt lời cô ta liền lườm tôi một cái sắc lẻm rồi ưỡn ẹo bỏ đi.
Tôi nghệt mặt ra. Trẻ con bây giờ ăn cái gì mà kinh dị vậy nhỉ?
Tôi thở dài, vẫn là cô câm ở nhà là tốt nhất. Một cô bé thuần khiết và trong sáng như vậy thật hiếm có trong thời đại ngày nay. Tôi lấy áo khoác chuẩn bị trả tiền thì chợt phát hiện ra túi áo trống rỗng. Hung thủ chính là con nhóc ban nãy?
Thật là ghê gớm!Tôi chưa bao giờ mất mặt như vậy ở trên phố Đường Nhân này. Tôi đành phải gọi điện bảo cậu Tam đến trả tiền giải vây cho mình, kết quả người vội vàng chạy đến lại là cô câm. Thôi bỏ đi, tôi biết con người cậu Tam, chắc lại đang chết trong phòng điện tử nào đó rồi.
Sau khi thanh toán tiền, cô câm ra hiệu bảo: -Em có thể đi được chưa?
Tôi nói ok nhưng bản thân thì đi thẳng ra cửa sau của quán rượu. Tôi biết cái ngõ đó vừa tối vừa hẹp, lúc nào cũng bốc lên mùi hôi thối của rác rưởi. Cô câm không nói gì mà chỉ lặng lẽ đi theo tôi.
Đám nhóc con đó đang ngồi thành hàng hút thuốc, nhìn thấy tôi thì ngạc nhiên lắm. Đứa con gái lúc nãy tôi gặp trong quán rượu cũng ở trong đám này, cô ta cố thu mình đằng sau lưng một thằng béo.Thằng béo đó còn cố tình cầm cái ví của tôi ra khua khua trước mặt trêu tức tôi. Bên trong đã trống rỗng, chỉ còn lại ít giấy tờ tùy thân. Nó nói: -Thằng khốn như mày mà cũng dám tìm đến đây sao? Tiền anh trai mày đã lấy đi mua phở ăn rồi, có giỏi thì đến mà lấy cái ví không này về!
Tôi nhìn bọn chúng, ánh mắt lạnh lùng và sắc nhọn như dao.
Một thằng nhóc gầy đen lạnh lùng xông ra, nó moi ra từ trong túi quần bò bẩn thỉu một con dao lò xo, hung hãn lao về phía tôi. Tôi không có ý né tránh, cô câm ở ngay sau lưng tôi, tôi mà tránh đi thì mũi dao sẽ nhằm vào cô. Tôi không cho phép điều này xảy ra.
“Bốp” một tiếng, con dao rơi xuống đất.
Tôi kẹp chặt tay của thằng nhóc lùn tịt đó rồi nhanh chóng giật cánh tay nó ra phía sau, giơ cao chân đá vào chân bắt nó phải quỳ xuống. Thằng nhóc đó quay sang nhìn kẻ đã đẩy nó vào hang hùm là thằng béo kia bằng ánh mắt tuyệt vọng. Thằng béo chẳng nói chẳng rằng, vội vàng ném cái ví xuống đất rồi cùng lũ nhóc kia chạy trốn.
Thằng nhóc lùn tịt cố sức ngoảnh lại nhìn tôi, đôi mắt như cầu xin tôi tha tội. Tôi không giày vò nó thêm, liền thả tay nó ra. Nó sợ hãi chạy trối chết, thậm chí còn chạy nhanh hơn cả thỏ.
Tôi nhặt cái ví ở dưới đất lên, phủi sạch bụi đất rồi nói với cô câm: -Chúng ta đi thôi!- con bé nhìn tôi, ánh mắt chất chứa đầy sự nghi hoặc.
Tôi thản nhiên nói: -Không có gì đâu, trước đây anh cũng đã gặp chuyện như thế này rồi! Nhưng mà anh bó tay, trừ phi em có thể thay đổi được cái xã hội này!
Một con người không thể làm nên anh hùng.
Những siêu nhân trong các bộ phim đều chỉ là một cách an ủi cho những tâm hồn yếu đuối. Tôi từ trước đến nay đều nghĩ như vậy, chính vì vậy mà từ trước đến nay tôi luôn ở trong trạng thái chán nản.
Về sau cậu Tam hỏi tôi: -Anh chắc chắn là cô câm chỉ mười bốn, mười năm tuổi chứ?
Rốt cuộc con bé bao nhiêu tuổi tôi cũng không rõ lắm, chỉ có điều con bé ngày một lớn hơn, mặt mũi hồng hào hơn, tốc độ dậy thì tự nhiên cũng được đẩy nhanh hơn. Đến nỗi mà cậu Tam năm lần bảy lượt tỏ ra hối hận, than thở “tầm nhìn” có phần hạn chế của mình: -Anh nói xem, lúc đầu nếu tôi là người thu nhận cô câm thì tốt biết mấy!- Tôi không biết cậu ta nói vậy có ý gì, kết quả là cậu ta láu lỉnh nhìn tôi bảo: -Anh thật là có con mắt! Một món hời lớn như vậy sao lại để anh nhặt được cơ chứ? Anh xem cô câm ngày càng xinh đẹp, chẳng mấy chốc sẽ trở thành thiếu nữ. Ha ha ha…thật là tuyệt vời! Chỉ nhìn không thôi cũng đã thấy mát lòng mát dạ rồi!
Tôi lạnh lùng đáp: -Cậu bỏ ngay cái ý nghĩ đó đi! Nó chỉ là một đứa trẻ con, cậu mà còn có suy nghĩ đó thì chẳng sớm thì muộn cũng tự rước họa vào thân. Nhân lúc còn kịp thì bỏ ngay cái tâm địa xấu xa ấy đi!
Cậu ta nói: -Anh hiện giờ đang ở cái tuổi như sói như hổ, tôi không tin là anh chưa từng ngoái đầu nhìn, cũng chưa từng rung rinh trước cô câm!
Lúc ấy đột nhiên tôi lại nhớ đến Đại Linh Tử. Tôi biết nếu như ông trời cho cô ta có cơ hội gặp lại tôi trong đời này, cô ta nhất định sẽ muốn xé xác tôi ra. Lúc ấy tôi kiên quyết rời xa cô ta, đến nay cô ta ra sao rồi tôi hoàn toàn không hay biết. Nếu như đã không tìm thấy Cửu Dương sao còn ở lại cái nơi lạ lẫm này? Không có đáp án, trên thế giới, con người chẳng thể nào biết được trạm dừng chân tiếp theo của mình ở nơi nào.
Tôi nhìn cậu Tam bằng ánh mắt chất chứa sự thương cảm. Cái mũi to thô kệch, đôi mắt xấu xí như cóc gặm khiến cho cậu ta chẳng thể hấp dẫn được con gái. Mặc dù suy nghĩ xấu xa của cậu ta khiến cho trong thâm tâm tôi cảm thấy thực sự khinh bỉ, tuy nhiên tôi vẫn đứng dậy tỏ vẻ đồng cảm với cậu ta bằng một cái vỗ vai.
Cuộc sống giống như một cái tàu hỏa ầm ĩ và cũ nát, không có phanh xe, chỉ biết mù quáng đâm đầu về phía trước. Cứ thế cho đến tận khi hoa mùa xuân tàn hết, tôi lại phát hiện ra một bí mật mới của cô câm.
Cô câm đang viết nhật kí.
Một việc mà hiện nay đại đa số mọi người đều cảm thấy quê mùa thì cô câm lại vô cùng cẩn thận và cần mẫn thực hiện nó. Tôi phát hiện ra cuốn nhật kí ấy ở dưới cùng ngăn kéo bàn cũ kĩ. Hãy tha lỗi cho tôi, tôi vốn không định xem trộm nhật kí của cô bé, nhưng mà, sự tò mò đã chiếm thế thượng phong, thế là tôi vẫn lén lút mở ngăn kéo và lấy cuốn nhật kí của cô câm ra.
Tôi nghĩ ít nhất thì tôi cũng cần phải biết con bé từ đâu đến. Con người có thể không có nơi để đến nhưng không thể không có nơi sinh ra.
Mở cuốn sổ quê mùa đến không thể quê mùa hơn ấy ra, tôi thật sự kinh ngạc với những gì mình nhìn thấy: cô câm viết chữ rất đẹp, chữ nào chữ nấy đều rất ngay ngắn và vuông vắn. Xem ra cô bé biết chữ, không chỉ biết chữ mà có lẽ đã từng là một học sinh xuất sắc. Tôi thực sự bị cô làm cho chóng cả mặt. Rốt cuộc cô bé này là ai nhỉ?
(Còn nữa)
__________________