Vốn là một phần không thể thiếu khi
thành lập công ty. Vốn điều lệ, vốn pháp định là hai khái niệm thường xuyên gây nhầm lẫn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Vậy đối với doanh nghiệp sự khác nhau giữa vốn điều lệ và vốn pháp định thể hiện như thế nào?
Thế nào về vốn của doanh nghiệp?
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vốn được hiểu và quan niệm là toàn bộ những giá trị ứng ra ban đầu vào các quá trình tiếp theo của doanh nghiệp.
Khái niệm này không những chỉ ra vốn không chỉ là một yếu tố đầu vào quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất mà còn đề cập tới sự tham gia của vốn trong doanh nghiệp, trong cả quá trình sản xuất kinh doanh liên tục trong suốt thời gian tồn tại của doanh nghiệp.
Như vậy, vốn là một yếu tố số một của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Có vốn các doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm các trang thiết bị hay triển khai các kế hoạch khác trong tương lai. Vậy yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp là họ cần phải có sự quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn có hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển và vững mạnh.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều có một phương thức và hình thức kinh doanh khác nhau. Nhưng mục tiêu của họ vẫn là tạo ra được lợi nhuận cho mình. Nhưng điều đó chỉ đạt được khi vốn của doanh nghiệp được quản lý và sử dụng một cách hợp lý.
Vốn điều lệ là gì?
Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
"Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần."
Nói một cách dễ hiểu, vốn điều lệ chính là số tiền mà thành viên cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, được ghi trong Giấy đề nghị thành lập công ty gửi Phòng Đăng ký kinh doanh.
Vốn pháp định là gì?
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.
Hiểu đơn giản hơn, vốn pháp định là vốn do pháp luật quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng do đặc thù ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Vốn pháp định xác định theo từng ngành, nghề, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp.
Ví dụ, khi thành lập công ty chuyển phát nhanh, theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định như sau:
Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
Do vậy, thành lập công ty chuyển phát nhanh phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định nêu trên.
Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định
Về cơ sở xác định:
Vốn điều lệ: do công ty đăng ký khi
thành lập doanh nghiệp
Vốn pháp định: không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể do pháp luật quy định riêng.
Về mức vốn:
Vốn điều lệ: có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ khó tạo được niềm tin với khách hàng khi giao dịch.
Song nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực sẽ tác động tới nghĩa vụ tài chính của công ty, công ty phải nộp thuế nhiều hơn.
Vốn pháp định: mức vốn khi thành lập doanh nghiệp ít nhất phải bằng mức do pháp luật quy định đối với ngành nghề đó. Mức tối thiểu này là cố định.
Về góp vốn:
Vốn điều lệ: thành viên, cổ đông cam kết góp trong thời gian nhất định để kinh doanh
Vốn pháp định: vốn góp vào công ty của các thành viên, cổ đông sáng lập tối thiểu phải bằng vốn quy định của pháp luật về kinh doanh ngành, nghề có điều kiện đó.
Vốn góp đó phải được xác nhận bằng văn bản của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nếu góp bằng tiền mặt, nếu vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật…. thì các thành viên lập biên bản thỏa thuận hoặc thuê các cơ quan có chức năng định giá độc lập.