“Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn” kể lại chuyến đi đầu tiên của Giorgio Bettinelli trên chiếc vespa từ Roma đến TP HCM. Câu chuyện bắt đầu khi Giorgio Bettinelli được tặng một chiếc vespa cũ. Dù chưa bao giờ lái xe hai bánh, ông đã quyết định du lịch khám phá các vùng đất bằng chính phương tiện đặc biệt này. Trong lần du ngoạn đầu tiên, ông đi qua các hòn đảo Bali, Giava và Sumatra của Indonesia. Sau đó, Giorgio Beetinelli quyết định về Italy để bắt đầu hành trình từ Roma tới Sài Gòn.
Bắt đầu chuyến đi một mình từ cuối tháng 7/1992, trong vòng bảy tháng, Beetinelli trải qua 24.000 km, đi qua chín quốc gia là Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào và cuối cùng tới Việt Nam. Giorgio Bettinelli cũng đã qua thủ đô Hà Nội trước khi đến điểm dừng của hành trình là TP HCM.
Cuốn sách không đơn thuần là một nhật ký hành trình. Mỗi vùng đất, mỗi con người tác giả từng đi qua, từng gặp gỡ đều được kể lại và miêu tả sống động, trong đó khắc hoạ nhiều nét địa lý, lịch sử và hiện thực. Cuốn sách được coi là “tấm bản đồ thu nhỏ” từ Roma đến TP HCM, là cây cầu nối liền hai nền văn hóa, hai thành phố ở hai đất nước cách xa nhau 24.000 km.
Trong hành trình dài, Giorgio Beetinelli gặp không ít khó khăn - những trò ma mãnh tại các quán hàng ven đường, những vấn đề về sức khỏe trên chặng đường dài đầy trắc trở... nhưng cũng nhờ chuyến đi mà tác giả có thêm không ít bạn đồng hành tốt bụng và khám phá nhiều điều mới lạ.
Giorgio Bettinelli là một nhà văn, nhà báo Italy có niềm đam mê mãnh liệt với du lịch khám phá và được coi là “gã khùng” của "tôn giáo vespa". Sau chuyến đi tới Việt Nam, hành trình của ông với vespa còn được nối dài với hàng trăm nghìn cây số. Ông đã đi từ Alaska đến Patagonia (chín tháng, 36.000 km), từ Melbourne tới Cape Town (một năm, 52.000 km), từ Chile đi Tasmania (ba năm, 144.000 km). Cuộc đời phiêu bạt của Giorgio Bettinelli khép lại với chuyến đi vòng quanh Trung Quốc trong 18 tháng, vượt qua 39.000 km. Năm 2008, ông bất ngờ qua đời vì một cơn bạo bệnh ở Trung Quốc.
[TABLE="width: 500, align: center"]
[TR]
[TD]
Trích đoạn trong “Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn”
“Vào thời điểm đầu tháng Ba năm 1993 đó, khi tôi dựng vespa trước cửa hàng giải khát và tìm lại trong ký ức sự hoà trộn hương vị của mình, Việt Nam vẫn chưa phải là một điểm đến du lịch 'thời thượng'.
(...)
Trên đường phố Sài Gòn (bây giờ mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, dù người dân nơi đây vẫn tiếp tục dùng tên gọi Sài Gòn) mới chỉ có ít người ngoại quốc qua lại, Tây ba lô và 'lữ khách' nhiều hơn là khách du lịch theo đúng nghĩa của nó, những người mà dù muốn hay không, ai trong số họ cũng có hội chứng thị dâm khôi hài sáng ngời lên trong đôi mắt. Số lượng người nước ngoài còn ít hơn nữa ở Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, hay ở những ngôi làng dọc theo 2.000 cây số đường biển từ Hà Nội tới đồng bằng sông Cửu Long, chặng đường mà tôi đã mất hai tuần để đi qua trước khi cán đích cuối cùng trong cuộc hành trình trên chiếc xe hai bánh, và chắc chắn đôi mắt tôi cũng long lanh chứng thị dâm một cách vô thức.
Bi kịch của chiến tranh và tiếng vang khó sánh kịp (có lẽ là không thể sánh kịp) của nó trên báo chí quốc tế, trong điện ảnh, công luận và tâm trí của ít nhất hai thế hệ người phương Tây đã khiến Việt Nam trở thành một quốc gia đặc biệt, mang những ý nghĩa hình tượng và ẩn ý giàu cảm xúc mà chắc chắn không đất nước nào có được, đã thần thoại hoá con người Việt Nam, ít ra là trong mắt tôi, gán cho họ tính cách kiên cường và khả năng chịu đựng vô hạn.
Người Việt Nam thân thiện như thế đấy, họ sẵn sàng cởi mở với số người ngoại quốc ít ỏi tình cờ gặp mặt, sau tất cả nỗi đau họ phải gánh chịu không chỉ trong chiến tranh chống Mỹ mà cả trong cuộc chiến chống Pháp để giành độc lập; cứ như thể họ không còn chút thù hận nào với người phương Tây, thậm chí còn luôn vui vẻ mỉm cười với họ, ngay khi có cơ hội, chứ không phải cười nhạo họ; người Việt Nam vui tươi như thế đấy, họ có khát khao cháy bỏng được vui chơi và lãng quên thay vì ngồi trong xó xỉnh để gặm nhấm những vết thương... Đây chính là những điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất qua mỗi lần tiếp xúc với họ và nó càng làm tăng thêm ý nghĩa thần thoại sẵn có của dân tộc này.
Khi đã uống cạn lon bia thứ hai và hút xong điếu thuốc thứ tư, tôi quay phải, quay trái chào từ biệt với nụ cười hơi bối rối của một con người đang hạnh phúc. Tôi ngó qua tấm bản đồ Sài Gòn trong quyển
South East Asia on a Shoestringvà khởi động chiếc vespa đi về phía ga tàu gần nhất, nơi tôi biết có thể tìm thấy một vài khách sạn giá rẻ….”.
[/TD]
[/TR]
[/TABLE]