Học bổng du học và cuộc sống trong mơ - Phiên bản có thể in
Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN
Học bổng du học và cuộc sống trong mơ - Phiên bản có thể in

+- Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam Uhm.VN (https://uhm.vn/forum)
+-- Diễn đàn: Diễn đàn Học tập - Học sinh, Sinh viên (https://uhm.vn/forum/Forum-Di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-H%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-H%E1%BB%8Dc-sinh-Sinh-vi%C3%AAn)
+--- Diễn đàn: Học Bổng - Du học (https://uhm.vn/forum/Forum-H%E1%BB%8Dc-B%E1%BB%95ng-Du-h%E1%BB%8Dc)
+--- Chủ đề: Học bổng du học và cuộc sống trong mơ (/Thread-H%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng-du-h%E1%BB%8Dc-v%C3%A0-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng-trong-m%C6%A1)



Học bổng du học và cuộc sống trong mơ - amec.edu - 02-27-2013

“Thưa giáo sư, em có thể hỏi giáo sư một câu được không ạ?”
Khi cả lớp đã ra về hết chỉ còn mỗi mình tôi và giáo sư, tôi tiến đến gần cô hỏi lí nhí. Như mọi khi, giáo sư Amy sốt sắng trả lời tôi với nụ cười rất tươi:
“Nào, em hỏi đi!”
“Em có thể biết tại sao môn của cô, em chỉ được B+ không ạ? Em cứ nghĩ là em…”
“Cô hiểu. Cô biết em đã gặp nhiều khó khăn với môn này, và đã nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, cô chấm theo thang điểm mà cô đã đưa cho cả lớp. Em bị mất vài điểm nhỏ ở mỗi bài viết thành phần. Và lẽ ra em đã được A-, nếu như em không bị ốm và nghỉ mất hai buổi học. Như cô quy định, hai buổi nghỉ có xin phép sẽ bị trừ điểm bằng một buổi nghỉ không xin phép. Cô rất tiếc…”
“Em cảm ơn cô. Em sẽ cố gắng hơn!”
Tôi chạy vội ra ngoài để cô không nhìn thấy những giọt nước mắt đã chực giàn giụa.
Giáo sư cố nói với theo:
“Em à, cô biết em thực sự có khả năng. Em phải nhớ điều đó!”
*
Cuộc đối thoại đó chỉ vỏn vẹn có mấy câu, nhưng khiến tôi nhớ mãi. Tôi nhớ cái lý do khiến tôi òa khóc khi chạy ra khỏi lớp, tôi nhớ những lời giáo sư nói với tôi. Tôi khóc không phải vì tôi chưa bao giờ bị điểm thấp, cũng không phải vì cho rằng giáo sư khắt khe với tôi. Tôi khóc vì thất vọng với bản thân mình, hay nói đúng hơn là bởi kỳ vọng của mình về bản thân; và khóc vì tủi thân. Đó là môn học đầu tiên trong đời du học của tôi, và với tất cả quyết tâm đã dành dụm từ trước khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi cứ ngỡ mình sẽ chứng minh được rằng mình không kém cạnh gì các bạn Mỹ học cùng lớp.
Trước khi sang được đến đất nước này, tôi đã có ba năm trời ăn không ngon ngủ không yên, chung quy cũng chỉ vì mấy chữ “học bổng du học”. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mất ba năm để trải nghiệm với bốn công việc khác nhau, thậm chí có thời gian làm việc hai nơi cùng một lúc, chỉ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Mình thực sự muốn làm gì? Có thể làm tốt việc gì nhất? Và sẽ sống như thế nào để cảm thấy mình có ích, cảm thấy cuộc sống của mình đáng sống nhất?”
Sau khi đã trăn trở, băn khoăn đến chán chê; tôi cũng quyết định được cho mình một ngành học. Tiếp sau đó là những tháng ngày bận rộn, lo lắng, và tiếp tục…trăn trở, băn khoăn. Làm sao để có thể giành được học bổng trang trải cho số học phí và sinh hoạt phí cao ngất mà có lẽ ba mẹ tôi có bán nhà cũng không đủ để lo cho tôi đây. Càng lo lắng, tôi càng sốt ruột mong đến ngày mình có được tin tốt, để được lên đường sống một cuộc sống thật mới thật khác phía bên kia trái đất. Và tôi luôn tự nhủ rằng, hãy cố chút nữa thôi, rồi chắc chắn sẽ có lúc mình chạm được đến giấc mơ đẹp đẽ đó.
Những cố gắng của tôi rồi cũng được đền đáp, cộng với ít nhiều may mắn. Ngồi trên máy bay, sẵn sàng cho hành trình hơn 13000 cây số, tôi cảm giác nhẹ nhõm như đã dỡ được một tảng đá cỡ vài tấn án ngữ trên vai mình đã quá lâu. Tôi dặn lòng phải cố gắng hết sức để học thật tốt, sống thật vui, cho bõ những gắng gỏi của mình.
*
Ngày đầu tiên “sống trong mơ”, tôi đến trường để nghe buổi nói chuyện dành riêng cho các sinh viên quốc tế. Sau các hướng dẫn về thủ tục là những chia sẻ kinh nghiệm của các bạn sinh viên quốc tế đã ở Mỹ được một vài năm. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng bạn nào cũng nhấn mạnh khó khăn về ngôn ngữ, về văn hóa và vốn sống ở Mỹ. Tôi cứ tưởng những khác biệt đó mới khiến cuộc sống mình thú vị chứ, để mình còn có nhiều cái mà khám phá chứ. Và tôi, cho dù cũng cẩn thận ghi nhớ những lời khuyên của các bạn, vẫn tự tin mà rằng “Chắc không vấn đề gì đâu, cố gắng hết sức là được chứ gì!”
Cuộc sống trong mơ đón chào tôi bằng những môn học đặc sệt kiến thức về thực tiễn nước Mỹ. Bởi ngành học của tôi là Public Affairs, một bộ môn kết hợp nghiên cứu cả Public Policy và Public Administration (Chính sách Công và Quản trị Công). Những viễn cảnh “chắc không vấn đề gì đâu” của tôi là những lúc giáo sư và bạn bè trong lớp thảo luận ầm ĩ, sôi nổi về một ông tài phiệt nào đó là chú ruột của chị dâu của một ông chính khách nào đó của một đảng nào đó đã từng làm Thượng nghị sỹ cho bang Massachusetts cách đây hơn hai mươi năm; và cháu rể nội của ông này thì đang tranh một cái chức gì đó cũng của cái đảng đó ở bang Michigan; và cái đứa cháu rể nội này thì góp phần tạo nên một vụ lùm xùm nào đó cho một ông nào đó thuộc một đảng đối lập nào đó ở bang Nevada!! Cái viễn cảnh trong mơ đó là lúc tôi ngồi tuyệt vọng ngắm cái chồng sách chỉ cho một môn cao từ mặt đất lên đến quá nửa cái chân bàn học, trong đó có cuốn dày hơn hai nghìn trang chuyên về phân tích sâu và nâng cao lịch sử chính trị nước Mỹ trong khi cái lịch sử “nông” và cơ bản tôi còn chưa nắm nổi; có cuốn viết từ cách đây 100 năm với thứ tiếng Anh mà tôi nghĩ có thể sánh với tiếng Nôm trong bản “Bình Ngô Đại Cáo” dịch từ tiếng Hán của nhà ta. Cái viễn cảnh trong mơ đó là những lúc tôi ú ớ không hiểu cả lớp đang nói chuyện gì, mới đoạn giữa hay đã qua câu chuyện khác; là những lúc tôi gật gù ra chiều rất biết cái thâm ý của giáo sư dù tôi chẳng hiểu mô tê chi; là những lúc tôi cười ra vẻ ý vị dù chả hiểu tại sao cả lớp phá lên như nắc nẻ. Và cái viễn cảnh đó càng bi thảm hơn khi tất cả bạn học cùng lớp với tôi đều là người Mỹ!
Bao nhiêu lần tôi đã tủi thân, nằm bò ra bàn khóc lóc cho cái sự học thảm thiết của mình; rồi cũng bấy nhiêu lần tôi tự tát vào mặt mình để nhắc rằng mình đang sống trong mơ đấy, gắng mà sống cho tốt cho vui vào. Bao nhiêu lần tôi ấm ức vì mình phải chịu thiệt thòi khi là người nước ngoài duy nhất trong lớp, tôi ước chi có tầm dăm bảy sinh viên quốc tế nữa, để được mọi người quan tâm hơn và làm cho bài giảng cũng như các thảo luận bớt “đặc sệt Mỹ” hơn; rồi cũng bấy nhiêu lần tôi phải tự nhắc mình rằng “Cứ “giá như” như thế đâu có làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn đâu. Ngồi dậy học bài tiếp đi!”. Bất kỳ khi nào tôi có thể hiểu mọi người trong lớp đang nói chuyện gì, và tôi có thể “hầu chuyện” họ được chút nào, tôi đều xung phong phát biểu. Đôi khi mọi người gật gù khiến tôi rất tự hào rằng mình có thể đem chút hiểu biết ngoài Mỹ đến với cả lớp; và rất lắm lúc tất cả các cặp mắt cứ nhìn chằm chằm vào tôi vì không hiểu con bé đang khổ sở giải thích cái gì khiến tôi thấy mình thông minh xinh đẹp không kém gì một con lừa mặc váy!
Với tất cả những gì tạm gọi là trí thông minh mà tôi có, với tất cả sự vật vã thức khuya (và không thể dậy sớm nổi) để chiến đấu với núi bài vở; tôi đã vượt qua học kỳ đầu tiên với tất cả những thất vọng lẫn kỳ vọng. Một trong những kỳ vọng của tôi chính là môn của giáo sư Amy. Tôi ngỡ mình đã làm tốt, nhưng kết quả không như tôi mong đợi. Và đó còn chưa phải là kết quả tệ nhất của học kì đầu tiên. Buối tối hôm đó tôi khóc khi thấy bao nhiêu nỗ lực của mình vẫn chưa hề đủ, tôi khóc vì “cuộc sống trong mơ” thật lắm khó khăn. Nhưng sau lần đó, tôi tự nhủ mình không thể yếu đuối như vậy – đó là giấc mơ mà tôi chọn, và lẽ ra tôi phải biết là sống với nó không hề dễ dàng chứ không phải là khóc lóc khi nó không như mình mong muốn. Mỗi lần nhớ lại, tôi thấy mấy giọt nước mắt đó thật quá ư “tiểu tư sản”!
Tôi ép mình không được nghĩ về việc mình thiệt thòi ra sao, mà chỉ tập trung vào việc làm thế nào để vượt qua những khó khăn của mình. Tôi nhờ bạn bè giảng thêm về những điều họ biết mà tôi chưa biết. Tôi không cho phép mình để ý đến thái độ của vài người bạn học có vẻ kỳ thị chủng tộc và coi thường tôi, mà chỉ chơi và làm việc với những người bạn tử tế với tôi mà thôi. Tôi học cách vui vẻ chấp nhận và yêu quý mọi thứ mình có, yêu quý bản thân và trân trọng những điều mình đã làm được.
Tốt nghiệp chương trình cao học với cả những điểm B không mong muốn (nhưng cũng không khóc vì chúng nữa đâu nhé!), tôi vẫn có thể thầm sung sướng khi tên mình được xướng lên cùng giải thưởng giành cho luận văn tốt nghiệp tốt nhất. Không biết các giáo sư có chút du di nào khi chấm giải vì biết tôi là người nước ngoài hay không; nhưng phần tôi, tôi cho phép mình tự hào một chút khi được đứng đó và nghe giáo sư nói với cả khán phòng, rằng tôi đến từ Việt Nam, và luận văn này là một phần nhỏ của nghiên cứu trong tương lai mà tôi mong muốn được đóng góp cho quê hương mình…
Ít nhất thì các giáo sư sẽ không phải nhớ đến tôi như một đứa con gái ủy mị, khóc lóc chỉ vì mấy cái điểm B cỏn con. Ít nhất thì tôi không phải xấu hổ với bản thân rằng mình đã không học được cách để “sống trong mơ”.
Và tôi tự nhủ, mỗi ngày đang sống sẽ là một ngày của giấc mơ mà mình đã lựa chọn.

…trong ngày tốt nghiệp
Công ty tư vấn du học và đào tạo Âu Mỹ (AMEC)
Số 30 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội
ĐT: 04 39411891 – 39411892
Fax: 04 39411892 – Email: amec-edu a fpt. vn
Website: duhoc360. com