Dân miền Tây Nam bộ được biết đến với tính tình khảng khái, thật thà, nhưng chơi thì... “phạch ngực”. Cái chất “phạch ngực” ấy thể hiện rõ nhất trong bàn nhậu, nơi những “sâu rượu trẻ” đang “ngâm đời trong những cơn say”.
Khi "đẳng cấp" đàn ông được đo bằng tửu lượng
Sáng sớm. Quán nhậu B.T, nằm gần con đường ra biển ở thị trấn Sông Đốc, vừa kết thúc một ngày bán không bao lâu thì đã có người đến gõ cửa. Chủ quán gương mặt bơ phờ thiếu ngủ, gắng nở nụ cười đón khách. Một người vả lả: “Sáng tụi này “lấy ngót” sớm, quán có gì nhấm không?. Chưa đi chợ thì cứ đem bia với vài con khô cũng được”. Trong tích tắc, trên bàn nhậu đã sóng sánh bia với dĩa mực nướng thơm phức.
“Độc ẩm” bên lề đường. Ảnh chụp tại thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu.
Trong nhóm thanh niên nam nữ kéo nhau “chào buổi sáng” tại quán nhậu, có người giọng còn nhừa nhựa trong hơi men bởi dư âm của đêm trước. Thì ra, tối qua có hai chiến hữu thách đấu với nhau nhưng bất phân thắng bại nên sáng sớm họ lại “gây sòng”, tranh tài cao thấp...
Theo các bậc “đô nhậu” ở Sông Đốc, khách nhậu “máu” nhất thị trấn này là những người trẻ. Tuy vậy, các “sâu rượu trẻ” đã gây ra không ít phiền hà cho người dân địa phương bởi “nhậu xong rồi về ngủ thì đâu ai nói gì, đằng này lại thường xuyên gây gổ, đánh nhau” - một người dân ngán ngẫm.
Cùng với phong trào nhậu nhẹt rộng khắp thị trấn, Sông Đốc còn là một trong những địa phương có tình hình an ninh trật tự... phức tạp bậc nhất tỉnh Cà Mau. Và trong các vụ gây hấn, làm mất trật tự trị án, không ít trường hợp đã “choảng” nhau từ các cuộc nhậu và phần lớn các đối tượng gây chuyện đều là những người trẻ.
Tôi được mời dự một đám cưới tại Bến Tre. Còn nhớ đám cưới này tổ chức đi rước dâu bằng đường sông, thời gian đi mất 4 tiếng. Thành phần đoàn rước dâu do nhà trai lên danh sách. Ngoài những bậc cao niên để làm lễ gia tiên, số còn lại là các trai làng được tuyển chọn dựa trên... tửu lượng. Những anh được các cụ chọn phải biết uống rượu bằng chén, bằng tô như uống canh.
Nhà trai đến đón dâu, các cụ vào làm lễ, số còn lại được nhà gái bố trí ngồi bàn. Rượu lập tức được rót tràn, tất nhiên đối ứng một khách nhà trai là một khách nhà gái và hai họ bắt đầu... “tửu thí”. Thành phần “tiếp chiến” nhà trai cũng là thành phần đưa dâu của nhà gái. Xong lễ, cô dâu được rước lên xuồng máy, nhà trai ra về mà không có “chiến sĩ” nào gục vì rượu là các cụ phấn khởi lắm, cho đó là... thắng trận.
4 giờ ngồi trên ghe máy, hai họ được bố trí xen kẽ trên hai ghe và cuộc “tửu thí” tiếp tục diễn ra ngay trên sông nước. Nhà gái chúc nhà trai và ngược lại, lúc này thanh niên trai tráng có chén uống chén, có tô uống tô, còn các cụ thì ngồi vuốt râu hể hả... Đến nhà gái, sau khi hoàn tất hành trình đưa dâu, đoàn nhà gái ra về mà không ai gục ngã vì rượu đó cũng là một chiến tích để bàn luận cho những bàn nhậu về sau.
Đánh đố so tài tửu lượng với nhau gần như đã trở thành một thói quen của dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các đám tiệc, hội hè... Và không ít chuyện đáng tiếc xảy ra trong và sau các cuộc “tửu thí”.
Lết bánh giữa đường
Trưa nắng, người thanh niên bước những bước xiêu vẹo trên con đường quốc lộ thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Được một đoạn, người này không thể đi tiếp, thế là nằm khuỵu xuống đám cỏ bên đường. Khách qua đường có người tốt bụng rề xe lại hô chở người đi cấp cứu. Bất kể đám đông quây quanh, người này vẫn nhắm nghiền mắt, miệng lẩm bẩm.
Thấy vậy, vài người dân ở gần đó chạy ra, một người phán: “Nó không sao đâu. Hũ hèm đó, đừng lo”. Nghe thế, có người đến “thu gọn” thân hình mềm nhũn của “nạn nhân” vào sát lề đường để tránh rủi xe cộ qua lại. Đám đông giải tán, để lại con ma men hồn nhiên đánh giấc bên đường. Nhiều người ngán ngẩm: “Mới bây lớn tuổi mà bết hết chỗ nói”.
M.T, một “chiến tửu” có hạng ở Huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) vừa “lết bánh giữa đường” lúc mới 40 tuổi. Ngược thời gian về năm M.T 18 tuổi, khi đó anh này đã nổi tiếng có tửu lượng mạnh nhất xã. Nhà nào có đám tiệc đều mời M.T đến để cầm trịch cho sòng nhậu khỏi tan. Làm bạn với rượu, mãi 30 tuổi M.T mới lập gia đình.
Không nghề nghiệp, M.T mở một quán nhậu tại nhà phục vụ cho những chiến hữu trong vùng. Món ba ba nấu chuối của M.T khá điêu luyện nên thu hút khách gần xa, nhờ vậy từ tay trắng, T xây dựng được một cơ ngơi kha khá. Tuy vậy, vì là chủ quán và cũng vì cái danh “chiến tửu” thời trẻ nên hàng ngày M.T phải đi từng bàn trong quán để giao lưu với khách. Thế nên, 40 tuổi, chủ quán nhậu đã mãi mãi ra đi vì xơ gan, để lại cho đời một cơ ngơi kha khá cùng cô vợ tre trẻ...
Đa đoan cái sự cấm nhậu
Việc lãnh đạo một số tỉnh ở ĐBSCL như Bến Tre, Cà Mau...ban hành lệnh cấm công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính (trừ những trường hợp đặc biệt) từng gây xôn xao cho những công chức có thói quen... nhậu không tính giờ. Có người nói đó là chuyện “khó xử” bởi “văn hóa nhậu” đã ăn sâu vào tiềm thức người dân các vùng này.
Trong thói quen của họ, có cả ngàn lẻ một “trường hợp đặc biệt” để nhậu: Lâu ngày không gặp, nhậu; bàn công chuyện, nhậu; buồn, nhậu; vui, nhậu; được khen thưởng, nhậu; bị kỷ luật, nhậu; trúng tôm, nhậu; thu hoạch cá, nhậu; bán lúa, nhậu... Đến mức một công chức công tác trong ngành giáo dục tại một huyện vùng xa thừa nhận: Cái “tệ” của anh là không biết nhậu, có lẽ vì thế nên trong đợt họp kiểm điểm cuối năm, anh bị đánh giá là “chưa hòa đồng với tập thể”.
Trở lại lệnh cấm công chức nhậu trong giờ hành chính ở tỉnh Cà Mau, một người (có lẽ là công chức) đã lên diễn đàn trong trang web của UBND tỉnh và bình luận: “Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, có nhiều anh em cán bộ công chức rất mừng vì sẽ có thể hạn chế nhậu nhẹt. Nhưng gần đây vẫn có nhiều công chức ngồi nhậu trong giờ hành chính.
Nhiều anh nếu mặc đồng phục thì thay đồ, còn nếu mặc đồ thường thì bỏ áo ngoài quần cho giống với... bợm nhậu. Nhưng ngặt nỗi, đám lính trơn coi bộ ít hơn mấy sếp tép riêu. Làm gì cũng kéo ra ngoài quán cụng ly được cả. Kiểu này chắc phải tổ chức kiểm tra một lần, bắt gặp quả tang mới được”. Nói thế, nhưng cũng chưa có một công chức nào bị kỷ luật vì bị bắt gặp quả tang đang... nhậu cả.
Báo cáo “Hiện trạng đói nghèo ở ĐBSCL” (do Chương trình hỗ trợ phát triển của Australia tài trợ) nêu rõ: Thói quen nhậu nhẹt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, thất nghiệp ở ĐBSCL. Theo đó, so với hộ có quê gốc miền Bắc hoặc miền Trung thì người dân Nam Bộ có mức chi tiêu cho ăn nhậu, đám tiệc... lãng phí hơn.
Viet Bao (Theo PLVN)