“A Chảy” tên thật là Lư Thành Hoàng (SN 1977, thành viên Câu lạc bộ Vespa Sài Gòn). Sáng 14-10, ngồi bên hồ Gươm, A Chảy kể lại kỷ lục xuyên Việt trong thời gian nhanh nhất bằng xe Vespa của mình.
Các thành viên CLB Vespa Sài Gòn tập trung tại Nhà hát lớn TP cùng
A Chảy (người mặc áo phông có hình Tổ quốc VN)
"Con ngựa sắt" rong ruổi cùng A Chảy trong hành trình xuyên Việt
Trước đó chừng 1 tháng, để chuẩn bị cho Lễ sinh nhật CLB Vespa Hà Nội (lần 3), một thành viên của CLB này là anh Ngọc “gà” đã túc tắc đi xuyên Việt trên chiếc Vespa Standa, để mời anh em đam mê Vespa trên toàn quốc về dự. Đáp lại lời mời này, CLB Vespa Sài Gòn đã cử đại diện là thành viên A Chảy ra Hà Nội tham dự.
“Tôi cũng không chuẩn bị gì nhiều. Về xe, tôi sử dụng chiếc Vespa Super 150cc mang BKS 54U2-7070, có tuổi đời gần 50 năm. Máy xe rất bền, nên tôi chỉ lo mang theo lốp dự phòng, và một số phụ kiện như bu-gi; dây côn, ga…là những bệnh vặt mà loại xe cổ này thường hay mắc phải; trước đó cũng có mang qua thợ, kiểm tra lại tổng thể”- A Chảy nói- “Về trang phục có bộ áo mưa phản quang, áo gió, hai chiếc mũ bảo hiểm (một chiếc trùm đầu, chiếc còn lại nửa đầu), giày đi mưa”.
Vì đi một mình, lại không biết để chế độ tự động, thành ra trong hầu hết các bức ảnh A Chảy
chụp, nhân vật chính lại là chiếc Vespa Super 150cc. Vật mờ mờ trong ảnh bên phải
là một ngọn tháp Chàm. Ảnh bên phải, A Chảy đang ở Cam Ranh (Khánh Hòa)
Khuya ngày 5-10, A Chảy cùng vài chục thành viên CLB Vespa Sài Gòn ra tập trung tại khu vực trước cửa Nhà hát lớn Thành phố. Cánh đàn ông, người đưa chiếc bật lửa, kẻ dúi thêm cái bu-gi… còn chị em thì bắt A Chảy mang theo ruốc, bánh và cả… sô-cô-la.
Đúng 0h ngày 6-10, A Chảy xuất phát. Mọi người đi tiễn một đoạn đường, đến qua cầu Sài Gòn thì dừng lại, còn lại một mình A Chảy và “con ngựa sắt” lao đi trong đêm. Như đã bàn bạc từ trước, A Chảy đi dọc theo QL 1A để đảm bảo an toàn, trong trường hợp không may xe hỏng, tai nạn hay thậm chí gặp cướp đường thì có thể nhanh chóng tìm người dân hai bên đường nhờ hỗ trợ.
Phút nghỉ ngơi bên đường của A Chảy với một người mê Vespa ở Bình Định
Chiếc Vespa cổ, dù đã được độ cho đèn pha sáng hơn, song trong bóng đêm mịt mùng cũng chỉ soi rọi được một đoạn đường vừa phải phía trước mũi xe. “Đôi khi tôi phải bám theo mấy chiếc ôtô tốc hành Nam- Bắc mới quan sát được đường rõ hơn”- A Chảy nhớ lại. Trước ngày xuất phát, A Chảy đã cố ngủ bù, song do tâm trạng bồn chồn trước chuyến đi dài nên không tài nào nhắm mắt được. Cuối cùng, A Chảy “viện” đến trà Bắc đặc- một đồ uống mà anh không quen- làm “thuốc” chống buồn ngủ.
Ở chặng đầu tiên, A Chảy “quất” luôn một lèo…650km. Lúc 10h sáng ngày 6-10, sau đúng 10 tiếng chạy xe liên tục, A Chảy đã có mặt tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Ở chặng đầu tiên này, thời tiết hoàn toàn ủng hộ A Chảy: không mưa, khí hậu mát mẻ… Chiếc xe gần 50 tuổi vẫn dẻo dai như chính chủ nhân của nó, không hề “hắt hơi sổ mũi” suốt cả chặng đường dài.
Ảnh trái, A Chảy chạy gần đến TP.Nha Trang; Ảnh trái, A Chảy có mặt tại TP.Tuy Hòa
A Chảy dừng chân chụp ảnh ở một cung đường đẹp
Nghỉ ngơi, gặp gỡ với một người chơi Vespa ở Quy Nhơn trong vòng 45 phút, A Chảy lại tiếp tục nai nịt lên đường, trực chỉ TP.Đà Nẵng. “Cứ được 100- 120km, tôi lại dừng lại đổ xăng. Bình xăng chứa được 7 lít, song cứ còn 3 lít thì phải đổ thêm, đề phòng không gặp cây xăng giữa đường”- A Chảy kể- “Vespa Super 150cc là loại xe 2 thì, cần cho thêm dầu nhớt vào xăng. Trước khi xuất phát, tôi để trong cốp phụ 8 bình dầu nhớt. Tổng cộng suốt hành trình đổ xăng hết khoảng 12-13 lần, song dầu nhớt thì mới chỉ dùng hết phân nửa”.
Chạy xe thêm gần 5 tiếng, A Chảy đã đến cầu sông Hàn (Đà Nẵng), hoàn thành một nửa hành trình, chiếc giày đi mưa chưa một lần phải sử dụng đến. Lúc này đã hơn 15 tiếng đã trôi qua, kể từ khi xuất phát- dự định phá kỷ lục xuyên Việt bằng xe Vespa cổ của thành viên A Chảy là 48 tiếng.
(Còn tiếp...)