Đôi nét về lồng đèn Hội An
maichi2771995 > 06-12-2016, 03:47 PM
Hội An được coi là cái nôi của đèn lồng thuần Việt. Cho đến nay, chưa ai biết chính xác đèn lồng Hội An ra đời từ bao giờ. Chỉ nghe rằng, lồng đèn xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 16 khi những người Trung Hoa đầu tiên đến đây lập nghiệp rồi định cư lâu dài. Họ treo đèn để thoả niềm hoài vọng cố hương.
Nhưng, bạn biết không, Hội An chỉ đẹp một cách trọn vẹn khi được ngắm nhìn qua lăng kính của những “chiếc đèn lồng”. Nào là màu đỏ rực rỡ, màu trắng tinh khôi, màu vàng cam ấm cúng hay màu tím mộng mơ…Sự quyện hoà của màu sắc cùng âm hưởng hoài vọng, cái lặng lẽ của thời gian, chỉ vậy thôi cũng đủ khiến người ta phải đắm say, đi quên lối về.
Ngắm đèn lồng ở Hội An là một điều thú vị. Bởi, vào bất kể một thời điểm nào, chúng đều có một vẻ đẹp riêng. Ngắm đèn lồng vào buổi sáng để thấy hết sự tinh sảo, sức sáng tạo và tài hoa của những người thợ. Còn khi đêm về, những chiếc đèn lồng chuyển màu huyền thoại, lung linh chiếu sáng trong đêm. Nó mang lại cho không gian Hội An về đêm đẹp đến nên thơ, hoài vọng đến nao lòng.
Nếu ai đã từng đến đây mà chưa trải qua cái cảm nhận thú vị ấy thì quả là một sự thiếu xót vô cùng!
Thuở ban đầu, chỉ những giới thượng lưu mới có đèn lồng to vẽ chữ Hán hoặc tranh thủy mặc treo trong nhà. Dần dần, chiếc đèn lồng mới tới được với tầng lớp bình dân bằng hình thức trang trí nhà cửa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng, quyến rũ vốn có.
Để làm ra một chiếc đèn lồng là cả một quy trình công phu, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn của người thợ. Quy trình làm đèn lồng được chia làm 2 công đoạn chính:
Làm khung tre: Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu sau đó được kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng.
Bọc vải: Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ.
Lồng đèn có nhiều loại, từ loại đèn hình cầu hay hình dạng giống trái bí ngô cho đến đèn lồng kéo quân… Mỗi hình dáng và màu sắc của đèn lồng đều mang một ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, đèn tròn biểu trưng cho sự hài hòa, cân đối. Đây là mẫu đèn có nét đặc trưng riêng của đèn lồng Hội An. Theo quan niệm dân gian, chiếc đèn lồng kiểu tròn treo trong nhà là biểu tượng mang đến nhiều sự ấm áp, yên bình và may mắn cho ngôi nhà.
Trong văn hoá Trung Hoa hay Nhật Bản, đèn lồng có ý nghĩa xua đuổi tà ma,mang lại bình yên và hạnh phúc thì đèn lồng ở Việt Nam không chỉ có thế. Nó là biểu tượng của tết đoàn viên đối với con người Việt Nam. Vào rằm tháng tám mỗi năm, mỗi gia đình đều cho con em mình đi chơi, thắp đèn lồng tung tăng trên phố. Ở một số vùng quê Việt Nam vẫn lưu truyền hoạt động rước đèn ông sao quanh làng để mong một năm mới an lành, thuận lợi hơn. Chính vì lẽ đó, đèn lồng còn mang một ý nghĩa hướng thiện và gần gũi với thiên nhiên.
Nếu 1 lần có cơ hội ghé thăm Hội An, bạn đừng nên bỏ lỡ những khoảnh khắc hoà mình cùng ngắm nhìn những chiếc đèn lồng lung linh. Đó là cơ hội để bạn rời xa mọi cám dỗ của đời thường để sống chậm lại và trọn vẹn trong từng giây phút.
Các bạn có thể tham khảo thêm các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng mỗi vùng miền tạị bài viết Nên mua gì khi đi du lịch nhé!
Nguồn: Earlybird.vn- Cộng đồng handmade Việt Nam