Bạn có biết cách đặt một dấu chấm cho tình yêu?
hoabtt > 05-23-2012, 03:10 PM
Chia tay giống như đặt một dấu chấm kết thúc cho một câu chuyện tình iu. Dấu chấm không chỉ đơn giản là… một dấu chấm.
1
Ở đâu?
Bất cứ ở đâu bạn cảm thấy phù hợp để bày tỏ ý định kết thúc. Nhiều người lựa chọn giải pháp ở… nhà mình, nhắn bằng SMS hay gọi điện để tránh nhìn thấy ánh mắt buồn thảm và thái độ sầu khổ của đối phương. Nhưng dù cho thế nào đi nữa, gặp người ta trực tiếp để bày tỏ cũng là cách tốt hơn hết để cả hai có thể nói rõ, để người ta không bị ấm ức bạn đang trốn tránh. Lựa chọn sai lầm là tìm về những địa điểm đầy ắp kỉ niệm của hai người. Cảnh cũ, người xưa có thể sẽ khiến người ta nức nở không nguôi.
2
Khi nào?
Khi đã nhận ra không thể tiếp tục được nữa, đó là thời điểm cho cả hai đặt một dấu chấm. Nhưng chuyện kết thúc dù ít dù nhiều cũng để cho người ta nhiều hụt hẫng thất vọng. Sẽ thật là “thiếu nhân ái” nếu bạn chọn ngay thời điểm quan trọng và nhạy cảm như chuẩn bị thi học kì, chuyển cấp, nhà người ta có chuyện buồn,… Lựa đúng thời điểm khi cả hai cùng thấy thoải mái cũng là cách để lời chia tay không nặng như đeo đá.
3
Nói gì?
Nói thẳng những gì bạn suy nghĩ là lựa chọn của tất cả mọi người. Dù cho có đau lòng thì nói thẳng, nói thật bao giờ cũng là cách đơn giản nhất. Đương nhiên, thẳng và thật không có nghĩa là quăng cho người ta đoạn độc thọai cụt ngủn: “Mình với bạn không hợp, chia tay đi!” Rồi thôi! LNói năng nhẹ nhàng, mềm mỏng và cân nhắc từng câu từng chữ có phải là cách bạn đã từng chọn để chinh phục trái tim người ta không? Tháo gỡ ràng buộc trái tim, lời chia tay cũng cần uốn lưỡi 7 lần y như vậy.
4
Ai sẽ được chứng kiến?
Sẽ chẳng khác gì việc khuyến mãi thêm cho người ta nắm muối sau khi đã cứa vào trái tim một nhát sâu hoắm nếu bạn ngang nhiên nói lời chia tay với người ta trước mặt nhiều người, đặc biệt là người thân quen, bạn bè. Chuyện chia tay cũng cần tế nhị và kiềm chế như chuyện bộc lộ tình cảm vậy. Đã đau lòng mà còn bị người khác trông thấy tình cảnh thê thảm của mình sẽ khiến người ta khó chịu lắm. Tốt hơn hết là chỉ nên có 2 người biết với nhau trong lúc đó thôi.
5
Cư xử như thế nào sau khi chia tay?
Bỗng dưng một người đã từng rất quan trọng biến mất khỏi cuộc đời mình trong phút chốc, sự thật này không dễ gì chấp nhận. Dứt khóat, đương nhiên là dứt khoát nhưng không có nghĩa là bạn sẽ coi người ta như số 0 vô hình. Hỏi thăm nhau, hỗ trợ khi người ta cần cũng là cách giúp người ta giảm đau, quan trọng là bạn cư xử sao cho khéo, đừng nhìn người ta bằng ánh mắt “chan chứa yêu thương” khiến người ta níu kéo vì ngộ nhận: “Thì ra hắn. nhỏ vẫn còn tình cảm với mình.”
6
"Tại sao? Tại sao? Tại sao?"
Là câu hỏi “ngô nghê” nhất nếu bạn là người bị đề nghị chia tay và vẫn luôn níu lấy người ta nghi vấn. Thực ra thì, mối quan hệ không tự nhiên mà thay đổi từ yêu sang hết yêu ngay lập tức. Khi người ta đi đến quyết định “over”, hẳn bạn cũng phải hiểu được nguyên nhân vì sao lại thế. Thay vì cứ níu kéo “Gặp mình một lần để trả lời cho rõ đi!”, bạn nên hít thở sâu, chấp nhận sự thật rằng đã đến lúc hai người kết thúc. Càng dùng nhiều chiêu níu kéo, càng khiến người ta thêm bực mình, cuộc chia tay càng thêm tồi tệ mà thôi.
Nguồn: Lamsao.com