Sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Thị Loan đang dần ổn định, bệnh nhân đã tự đi lại được. “Nếu truyền nhầm máu với khối lượng lớn 5,1 lít, chắc chắn người bệnh sẽ tử vong. Việc bệnh nhân dần hồi phục, kết quả xét nghiệm lại cho thấy BN mang nhóm máu B”.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Cũng theo TS Hùng, các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mang nhóm máu B. Vì thế, không có chuyện bệnh nhân bị truyền nhầm máu.
Trước đó, sản phụ 22 tuổi Nguyễn Thị Loan có đến Bệnh viện Sơn Tây để khám và sau đó nhập viện vì bị rau tiền đạo. Tối ngày 21/10, bệnh nhân được mổ lấy thai, nhưng sau đó bị băng huyết. Bệnh viện đã truyền 17 bịch máu nhóm B (khoảng trên 5 lít máu), sau đó chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, kết quả định nhóm máu lại là AB, nên chị Loan được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ do truyền nhầm máu với khối lượng lớn.
“Tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân Loan, kết quả xét nghiệm máu bệnh nhân cũng mang nhóm AB. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, các chuyên gia BV Bạch Mai khẳng định bệnh nhân mang nhóm máu B và quyết định điều trị bằng cách truyền khối hồng cầu nhóm máu B cho bệnh nhân này”, TS Hùng nói.
Vậy vì sao, kết quả định máu nhanh tại BV Phụ sản Hà Nội và BV Bạch Mai tại thời điểm bệnh nhân nhập viện lại cho ra nhóm máu AB? Trả lời câu hỏi này, TS Hùng cho biết, kết quả xét nghiệm tại thời điểm tiếp nhận BN cho ra nhóm máu AB cũng không phải là kết quả sai. Bởi trên một bệnh nhân được truyền máu với số lượng lớn (5,1 lít máu, lớn hơn cả lượng máu có của cơ thể, từ 3,5 - 4 lít máu) với số lượng máu rất lớn không được tách riêng hồng cầu và huyết tương. Khi mất quá nhiều máu, truyền máu với số lượng lớn không được tách riêng hồng cầu, huyết tương thì việc định nhóm máu không còn chính xác. Ngoài ra, còn có khả năng trong y văn cũng từng ghi nhận (dù tỉ lệ rất thấp), con mang con máu A, mẹ máu B, trong khi chuyển dạ, 1 lượng máu của con đã xâm nhập vào cơ thể mẹ nên xuất hiện nhóm máu AB.
“Về nguyên tắc, để hạn chế nguy cơ truyền máu thì hiện nay người ta tách riêng hồng cầu và huyết tương, chỉ truyền hồng cầu. Tuy nhiên, sản phụ Loan mất máu quá nhiều, trong khi đó Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bệnh viện khu vực, lượng máu dự trữ không nhiều, vì thế, sau khi truyền hết khối hồng cầu dự trữ đã phải huy động máu của người nhà của bệnh nhân. Vì không có thời gian đợi chiết tách hồng cầu, nên Bệnh viện buộc phải truyền máu toàn phần, có cả huyết tương. Tổng lượng máu sản phụ Loan được truyền là hơn 5 lít (đều là máu nhóm B), trong khi đó một người bình thường chỉ có 3,5-4 lít máu. Nếu quả thực có việc truyền nhầm, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong bởi truyền không đúng nhóm máu của người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu nặng, với biểu hiện tắc tất cả các mạch, sẽ không thể cứu được người bệnh”, TS Hùng khẳng định.
Hiện tại, bệnh nhân Nguyễn Thị Loan đã qua nguy kịch, bệnh nhân đã tự đi lại được tuy nhiên vẫn được theo dõi chặt chẽ. Với diễn biến này, bệnh nhân sẽ sớm được xuất viện bởi tình trạng sức khỏe đang dần ổn định.
“Tình trạng sức khỏe tốt lên từng ngày minh chứng cho thấy việc chẩn đoán đúng của BV, bệnh nhân mang nhóm máu B và được truyền khối hồng cầu nhóm B. Minh chứng cho việc không có truyền nhầm nhóm máu với khối lượng lớn 5,1 lít vì nếu truyền nhầm với khối lượng lớn thì không thể cứu. Trong khi đó, từ khi nhập BV đa khoa Sơn tây đến khi được chuyển lên BV Bạch Mai, bệnh nhân đều được truyền khối hồng cầu, truyền máu toàn phần từ người cho máu đều là những người mang máu nhóm B”, TS Hùng nói.