Bệnh sâu răng ảnh hưởng xấu đến tim
Vi khuẩn gây sâu răng được các nhà nghiên cứu đánh giá là loại vi khuẩn thực sự nguy hiểm bởi nó có khả năng hoạt động kín đáo bằng cách huỷ diệt hoặc đánh lừa hệ miễn dịch của cơ thể con người. Một số biến thể hình cầu của chúng thường tạo ra các chất độc tiêu diệt các tế bào của cơ thể.
Nguy hiểm hơn, cấu tạo của chúng rất giống với cấu trúc một số tế bào của cơ thể nên dễ dàng đánh lừa hệ đề kháng của chính chúng ta. Trong nhiều trường hợp, thay vì tiêu diệt kẻ thù gây bệnh, hệ đề kháng của cơ thể lại quay sang tiêu diệt chính những tế bào có cấu trúc tương tự vi khuẩn. Những tế bào cơ tim là nạn nhân trực tiếp của hiện tượng này.
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy thường xuyên xuất hiện một số lượng lớn vi trùng cư trú trong răng, vòm miệng trên các mảng xơ vữa động mạch của nhiều bệnh nhân tim. Con đường xâm nhập của chúng thông qua những vết lở loét ở nướu, lợi và từ đó thông qua tuần hoàn máu rồi vào tim. Một số biến thể của chúng có khả năng sản xuất những protein đặc biệt giúp chúng bám chặt vào thành mạch. Khi đã vào sâu thành mạch, hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta không còn khả năng phát hiện ra chúng. Nhờ đó, chúng hoành hành và rất nhanh chóng làm tổn thương mô thành mạch. Nhiều trường hợp chúng còn là nhân tố thúc đẩy sự xuất hiện các cục máu đông – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim.
Vi khuẩn gây sâu răng, viêm lợi đe doạ trực tiếp sức khoẻ trái tim. (Ảnh minh họa)
Vi khuẩn gây sâu răng, viêm lợi đe doạ trực tiếp sức khoẻ trái tim nên khi đã mắc các chứng bệnh này chớ nên coi thường chúng. Bệnh nhân cần phải điều trị nghiêm túc dưới sự thăm khám, giám sát của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc hoặc ngừng chữa trị.
Khi bị viêm lợi, sâu răng nên đến bác sĩ để khám. Trường hợp cơ thể bị sốt nhẹ, có dấu hiệu suy nhược hoặc cảm giác tim hồi hộp bất thường, cần phải kiểm tra tim thông qua điện tim đồ và các xét nghiệm cần thiết.
Để phòng tránh nguy cơ trên, bên cạnh việc vệ sinh răng miệng thường xuyên cần phải lấy cao răng mỗi năm hai lần. Nếu bị chảy máu chân răng, sưng lợi phải đi khám bác sĩ. Trong trường hợp bắt buộc phải nhổ răng, cần phải uống thêm kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ.
Một cách ngăn ngừa hiệu quả khác là bạn nên thường xuyên vận động. Tập thể dục đều đặn mỗi tuần 3 lần, mỗi ngày 30 phút có thể giảm thiểu tới 42% nguy cơ viêm lợi, sâu răng. Vận động tích cực giúp giảm thiểu nồng độ CRP – protein trực tiếp liên quan đến bệnh sâu răng, viêm lợi. Cần lưu ý là phải hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải, an toàn mà cơ thể bạn cho phép. Các môn thể thao phù hợp để bạn luyện tập là bơi lội, cầu lông, dạo bộ…