Công bố dịch tay chân miệng: Tùy địa phương
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã nói như thế trong cuộc trao đổi hôm qua 17-8. Ông Huấn cho hay: - Theo quyết định số 64 của Thủ tướng về công bố dịch truyền nhiễm, có bốn cấp công bố dịch là chủ tịch tỉnh, Bộ Y tế, Thủ tướng và Quốc hội. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nhóm B, thẩm quyền công bố dịch được quy định là chủ tịch tỉnh trên cơ sở đề nghị của giám đốc sở y tế.
* Theo ông đánh giá, hiện có địa phương nào trong số 52 địa phương đã có bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay đủ yếu tố công bố dịch?
Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua Ủy ban châu Âu và Tổng vụ Cứu trợ nhân đạo và bảo vệ dân sự dành khoản ngân sách 60.000 euro cho phòng chống dịch tay chân miệng tại VN. Khoản tiền này được dành cho tuyên truyền phòng chống dịch cho người chăm sóc trẻ, học sinh tiểu học và giáo viên mầm non. Tổng số 113.000 người sống ở năm tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thanh Hóa sẽ được tham gia chương trình này. - Tính theo số liệu về số lượng bệnh nhân ở các địa phương, tôi cho là một số tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, Đồng Nai..., dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp và địa phương nên nghiên cứu kỹ các điều kiện để công bố dịch. Khi công bố dịch mới có thể tập hợp được nguồn lực, nhân lực của tổng thể hệ thống và chống dịch hiệu quả.
Như hiện nay chỉ ngành y tế làm, công tác tuyên truyền có khi chưa đến được với người dân. Ở TP.HCM, khi chúng tôi hỏi thì nhiều gia đình nói không biết có dịch tay chân miệng và chưa biết cách phòng dịch.
* Trong báo cáo gần đây, Cục Y tế dự phòng có cho rằng công tác phòng chống dịch tay chân miệng hiệu quả chưa cao. Theo ông là do đâu và cần có biện pháp nào mạnh để chống dịch hay không?
- Có một số nguyên nhân, như tuyên truyền phòng chống dịch chưa đến được với một bộ phận người dân, chưa huy động được sự phối hợp nguồn lực của các ngành, công tác chỉ đạo từ chính quyền cơ sở chưa được mạnh mẽ... Về biện pháp mới, cuối tuần này bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có chỉ thị, trong đó có đề cập đến việc xem xét công bố dịch tùy tình hình địa phương. Yếu tố “xem xét” tôi nói ở đây là ở VN có nhiều loại bệnh truyền nhiễm, công bố dịch có thể huy động được nguồn lực, nhưng nếu công bố có dịch rồi lại hết dịch liên tục sẽ làm giảm mức độ chú ý, quan tâm của công chúng mỗi khi công bố dịch.
TP.HCM: nhiều trường học cung cấp đủ xà phòng Hiện nay các trường mầm non tại TP.HCM vẫn trong giai đoạn nghỉ hè, tuy nhiên công tác tuyên truyền về dịch tay chân miệng vẫn được tổ chức liên tục. Tại Q.8, giáo viên mầm non được học về kiến thức phòng dịch tay chân miệng, đồng thời tập trung tổng vệ sinh trường lớp để chờ ngày khai giảng 5-9. Tại Trường mầm non Anh Đào, Q.Gò Vấp, trước ngày tựu trường 29-8, tất cả đồ chơi, sàn nhà, phòng ốc, lan can, bếp... trong trường đều được khử trùng bằng Chloramine B. Nhà trường cũng cung cấp đủ xà phòng để phục vụ học sinh. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo được giáo viên và bảo mẫu hướng dẫn tự vệ sinh tay chân, thân thể để phòng bệnh.
Ở khối các trường tiểu học, ban giám hiệu và giáo viên đặc biệt quan tâm học sinh lớp 1. Tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, nhà trường gia tăng tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh bằng bản tin dán tường. Mỗi tuần hai lần các cô bảo mẫu lau dọn bàn ghế, phòng học bằng dung dịch Chloramine B, đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh, khu ăn uống, rửa tay, đồ dùng của học sinh. Đồ dùng học sinh luôn rửa sạch sẽ, phơi khô vào buổi trưa để tiệt trùng. Học sinh lớp 1 còn được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn “kỹ năng đi vệ sinh ở trường tiểu học” để các em thích nghi với cách giữ vệ sinh ở môi trường học mới.
Ông Lê Văn Mỹ, hiệu trưởng Trường tiểu học Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: “Nhà trường luôn đề nghị giáo viên kiểm tra, theo dõi học sinh chặt chẽ, đặc biệt là học sinh khối lớp 1. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở các em vệ sinh tay chân và theo dõi thân nhiệt của các em”. Tại khu vệ sinh của trường luôn có sẵn xà phòng để học sinh rửa tay sau khi đi vệ sinh.