Nhiều bạn đọc thắc mắc về công dụng của trái bí đao và việc sử dụng trái bí đao trong bữa ăn hằng ngày để giảm cân thì có hại gì không...
Về khía cạnh này, lương y Hoài Vũ cho biết, bí đao là loại rau xanh thường dùng trong
bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Bí đao có thể luộc, xào, nấu canh, làm nộm, làm mứt. Thành phần của bí đao tươi theo tỷ lệ phần trăm gồm có: nước 95,5%, protein 0,6%, lipid 0%, gluxit 2,4%, xenluno 1%; và theo mg phần trăm thì có: can-xi 26mg%, photpho 23, sắt 0,3, natri 13, kali 150, vitamin B1 0,01, vitamin B2 0,02, vitamin PP 0,03 và vitamin C 16. Năng lượng do 100g bí đao cung cấp là 12 calo (tương đương 3g gạo). Vì thế người ta gọi bí đao là loại thực phẩm rỗng calo.
Bí đao là loại thức ăn giảm béo khá lý tưởng, vì khi ăn vào năng lượng sinh ra rất thấp, và trong thành phần của bí đao hoàn toàn không có chất béo (lipid). Vì vậy, những người có tình trạng gan nhiễm mỡ có thể luộc bí đao để ăn, hay ép bí đao lấy nước dùng hằng ngày là một trong các giải pháp có hiệu quả và an toàn.
Trong y học cổ truyền, bí đao được dùng làm thuốc với tên gọi là “đông qua”, nó có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng, giải khát, làm mát tim, trừ phiền nhiệt, tiêu sưng mụn nhọt... Vì thế, trong
Lĩnh nam bản thảo của danh y Hải Thượng Lãn Ông đã ghi:
“Đông qua tục gọi là quả bí (tức bí đao)
Tính vị cam hàn, không độc khí
Giải khát, thanh tâm khi phiền nhiệt
Tiêu ung, thũng trướng và lợi thủy”.
Theo lương y Hoài Vũ, hằng ngày có thể dùng bí đao ép ra để lấy từ 0,2 - 0,5 lít nước (tương đương 200 - 500g bí đao) thì không gây tác hại gì, và có thể dùng lâu dài để làm giảm mỡ ở gan. Ngoài ra bí đao còn có tác dụng tiêu độc, thanh nhiệt và làm đẹp da, rất có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên cần lưu ý, bí đao có tính hàn (lạnh), bởi vậy đối với những người có cơ địa hàn (lạnh), nhất là trường hợp tỳ vị hư hàn (lạnh) - hay bị chướng bụng,
tiêu chảy, thì sử dụng ở mức vừa phải, trong một thời gian thích hợp với người có cơ địa hàn hoặc tỳ vị hư hàn. Bởi vì ngoài bí đao, có thể dùng các loại cây, quả khác không có tính hàn để làm giảm béo, hạ mỡ trong gan như hà diệp (lá sen), sơn tra (táo mèo).
Khánh Vy