Lần đầu tiên trong khuôn khổ giải thưởng Sách Hay, ban tổ chức thực hiện tọa đàm để các bạn trẻ, chuyên gia cùng nói về lợi ích của việc đọc sách.
Sáng 22/9, tại TP HCM diễn ra Lễ trao giải Sách Hay 2013, mùa giải lần thứ ba.
Ngay trước lễ trao giải, Ban tổ chức chiếu một đoạn video ngắn nhấn mạnh tầm quan trọng của sách trong vai trò khai minh nhân loại. Video bắt đầu với ánh sáng biểu trưng từ ngọn lửa của thần Prometheus đem đến cho nhân loại
, rồi gần hơn là tại Nhật Bản trong công cuộc Duy tân Minh Trị với chủ trương Hòa thần Dương khí (Tinh thần Nhật Bản, Tinh hoa phương Tây), nhằm đưa tất cả sách quý của thế giới trong hầu hết lĩnh vực đến với mọi người dân. Đối với người Nhật, đọc sách chính là để khai minh chính mình và khai minh dân tộc mình.
Sau phần trao giải, ban tổ chức có buổi tọa đàm về sách. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, hiện nay, Việt Nam không thiếu sách nữa mà quá nhiều sách, và họ lạc lối trong nhà sách khi phải chọn cho mình một tác phẩm hay. Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng họ đọc nhiều sách, cái gì cũng nắm được nhưng lại không cảm thấy được khai minh từ sách mà nhiều khi trở thành những “con vẹt thông minh”, nói gì cũng biết.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn tại tọa đàm về sách sau Lễ trao giải thưởng
Sách Hay 2013. Chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Trọng cho rằng: “Mỗi con người vốn là một tiểu vũ trụ. Trong cuộc sống mỗi người chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều câu hỏi, và với tôi, cứ thắc mắc gì thì tìm đến sách để trả lời câu hỏi của mình. Đọc không phải là tích góp để khoe kiến thức... Đọc kiểu đó mới là tri thức con vẹt, còn đọc một cuốn sách bằng trải nghiệm và giải đáp cho chính mình thì đó mới là sự đọc”.
Đồng tình với Giáo sư Nguyễn Văn Trọng, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cho rằng: “Ở Việt Nam không phải ai cũng may mắn được học ở những người thầy danh giá trên thế giới, vậy tại sao không mời người thầy đó về ngay đầu giường mình với giá chỉ bằng một hai tô phở? Nếu không có thời gian, bạn hãy chọn sách bạn thấy thích thú để đọc”.
Ngược lại, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nói “Muốn làm con vẹt không dễ bởi chúng ta thiếu người có kiến thức cơ bản để làm con vẹt. Ngay cả trình độ thạc sĩ nói chung vẫn chỉ là trình bày lại cái chung của nhân loại, đến học vị tiến sĩ thì mới đòi hỏi sáng tạo tí xíu. Thế nên, từ thạc sĩ trở xuống vẫn là con vẹt đã. Một người chưa tích lũy, không có kiến thức vững chắc, bài bản về cái mình học thì không thể sáng tạo”.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (phải) trao giải thưởng Sách Hay cho các đơn vị. Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn cũng cho biết, Việt Nam chưa có tầng lớp khoa học chuyên nghiệp để trao đổi với thế giới. Thực tế, hiện nay ở các quốc gia phát triển có một số lượng ổn định từ 4% đến 5% dân số luôn đọc từ 40 đến 60 đầu sách chuyên ngành mỗi năm. Từ thành phần dân số đó mà có từ ba đến bốn triệu nhà khoa học là chuyên gia. “Không nên xem thường tích lũy khoa học căn bản, rộng, sau đó tùy lĩnh vực từng người mà tìm kiến thức riêng”, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề bị "lạc lối" khi đứng trước quá nhiều đầu sách phải lựa chọn, nhiều chuyên gia nêu ý kiến rằng, việc khó khăn nhất là phải tập kỹ năng đọc sách ngay từ bé. "Trẻ con bây giờ ít đọc sách. Đó là thảm họa! Và hiện nay, giáo dục của mình không tập cho trẻ em đọc trọn quyển sách mà toàn đọc trích đoạn và tóm tắt. Điều này làm kỹ năng đọc kém và không có chiều sâu", Bùi Văn Nam Sơn nói.
Ban tổ chức giải thưởng Sách Hay 2013 trao giải cho 14 tác phẩm ở bảy hạng mục. Mỗi hạng mục đều có giải thưởng cho sách viết và sách dịch. Cụ thể:
1.
Nghiên cứu:
Thần, Người và Đất Việt (Tạ Chí Đại Trường) và
Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (Li Tana, Nguyễn Nghị dịch).
2.
Giáo dục: Đi vào nghiên cứu khoa học (Nguyễn Văn Tuấn) và
7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Edgar Morin, Nguyễn Hồi Thủ dịch).
3.
Kinh tế:
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” (Nhóm chuyên gia VEPR) và
Tại sao các quốc gia thất bại (Daron Acemoglu – James A.Robinson, nhóm dịch giả).
4.
Quản trị: Không tìm được sách ở thể loại sách viết để trao giải, chỉ có giải sách dịch với tác phẩm
Chiến lược đại dương xanh (W. Chan Kim - Renee Mauborgne, Phương Thúy dịch)
5. Thiếu nhi:
Những giọt mực (Lê Tất Điều) và
Totto-chan bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi, Trương Thùy Lan dịch)
6.
Văn học:
Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn) và
Nắng tháng Tám (William Faulkner, Quế Sơn dịch).
7.
Phát hiện mới: Chuyện nghề của Thủy (Trần Văn Thủy - Lê Thanh Dũng),
Giã biệt hoang vu (Nguyễn Hàng Tình) và
Chuyên ngành cơ khí (Nhóm tác giả, nhóm dịch giả).
Năm nay, giải Sách Hay cũng vinh danh nhiều tác giả, dịch giả đã và đang định cư tại nước ngoài như: Tạ Chí Đại Trường, Lê Tất Điều, Nguyễn Hồi Thủ, Nguyễn Văn Tuấn, Quế Sơn… Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn thì việc trao giải cho các tác giả này nhằm mang đến thông điệp “tinh thần hòa hợp, không phân biệt Bắc Nam, văn học nghệ thuật trước giải phóng hay sau giải phóng, không phân biệt trong nước - hay nước ngoài".
Nhã Ca