Những lưu ý cần thiết khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Cảnh giác với nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Khi còn trong bụng mẹ, bé nhận chất dinh dưỡng và oxy qua nhau thai bám vào thành trong tử cung mẹ, nhau thai được nối với em bé bằng dây rốn thông qua một lỗ nhỏ trên bụng của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn không còn tác dụng gì và được cắt bỏ. Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian rốn chưa khô rụng, nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh gồm các loại sau:
Nguồn: Những lưu ý cần thiết khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Video: Những lưu ý khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Uốn ván rốn. Đây là bệnh nguy hiểm, bởi nếu nặng, bé có thể bị co thắt do các cơ thở, dẫn đến tử vong. Khi bị uốn ván rốn, bé sẽ sốt, bỏ bú, sau đó cứng hàm, co cứng toàn thân, hai tay nắm chặt. Nếu có các tác nhân tác động như ánh sáng, âm thanh sẽ làm gia tăng thêm tình trạng co giật.
U hạt rốn. Mặc dù cuống rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không có dấu hiệu sốt, hoặc sưng, nóng đỏ vùng rốn. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, u hạt rốn có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn.
Viêm mạch máu rốn. Mạch máu rốn gồm 2 động mạch, 1 tĩnh mạch. Sau khi bé ra đời, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 - 8 tuần sau khi sinh, có trường hợp đến 9 – 11 tuần. Nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm. Các động mạch này càng dễ bị viêm nhiễm hơn nếu sau khi cắt rốn, máu ở khu vực này còn tồn đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Viêm rốn có mủ. Các mẹ có thể phát hiện bé bị viêm rốn có mủ khi thấy những triệu chứng sau: chân rốn bé bị tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt, chảy mủ vàng và lâu rụng. Bé có thể bị sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú … Nếu thấy bệnh biểu hiện nhẹ, các mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, suy sụp … cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.
Do đó, khi thấy thành bụng phía dưới rốn bị phù nề, tấy đỏ, mẹ vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn thấy mủ chảy ra, bé quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi … có thể bé đã bị viêm động mạch rốn. Ngược lại, khi vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy ra, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, bé có thể đã bị viêm tĩnh mạch rốn. Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm, vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết, vì vậy, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nếu phát hiện các triệu chứng trên để được chữa trị kịp thời.
Chăm sóc rốn đúng phòng ngừa viêm nhiễm
Như vậy việc chăm sóc rốn tốt hay không sẽ quyết định trực tiếp đến sức khỏe của bé, vì vậy mà các mẹ cần phải cẩn thận hơn trong việc vệ sinh rốn. Có một số lưu ý trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh mà các mẹ cần tham khảo như sau:
Tránh phần rốn khi tắm. Trước khi tắm cho bé, mẹ hãy rửa sạch tay bằng xà bông để vi khuẩn không xâm nhập vào cơ thể bé. Nếu không đảm bảo vệ sinh, phần cắt của dây rốn rất dễ nhiễm trùng có thể gây nên bệnh uốn ván - một trong những tai biến nặng dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Trong thời kỳ rốn của bé chưa rụng, nên cẩn thận không để nước thấm vào cuống rốn dễ gây nhiễm trùng. Các mẹ cũng nên tắm lần lượt từng bộ phận, từ đầu đến chân, không nên đặt bé vào thau. Ngoài ra, bạn có thể dùng khăn ẩm vệ sinh cơ thể bé, tránh phần rốn.
Chăm sóc đặc biệt cuống rốn. Cuống rốn của bé cần phải luôn được giữ sạch và khô ráo. Các mẹ nên gấp tã bé bên dưới cuống rốn để rốn có thể tiếp xúc với không khí. Tránh tuyệt đối việc làm dính nước tiểu hoặc phân vào cuống rốn bé, đồng thời làm sạch đáy rốn cho bé bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn sát khuẩn 1 – 2 lần mỗi ngày.
Thời tiết nóng, các mẹ chỉ cần mặc cho bé tã và áo phông rộng để không khí lưu thông và làm tăng tốc độ cho quá trình làm khô rốn. Các mẹ cũng nên tránh mặc áo lót bó sát cơ thể bé cho đến khi cuống rốn đã rụng. đặc biệt cần lưu ý không được cố gắng kéo đứt dây rốn, ngay cả khi nó có vẻ rất lỏng lẻo và sự gắn kết chỉ còn một chút xíu.
Băng rốn đúng cách cho bé. Sau khi tắm, các mẹ bạn nên thay băng rốn cho bé ngay. Lưu ý cần vô trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi gỡ bỏ gạc bao rốn cũ của bé. Dùng bông tăm thấm dung dịch Povidine lau sạch từ đầu rốn đến chân rốn, sau đó đắp băng gạc mới lên và dùng gạc băng cố định lại. Các mẹ nên nhớ là việc tắm rửa hay thay gạc rốn cho bé đều cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng. Không được băng rốn quá chặt vì ngoài việc làm cho bé khó chịu nó còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Việc vệ sinh rốn của bé cần được thực hiện hàng ngày cho đến khi cuống rốn khô và rụng.
Đừng nôn nóng khi rốn bé không rụng vào thời điểm dự tính. Thời gian rụng rốn ở mỗi bé là rất khác nhau, vì vậy các mẹ không nên dùng tay kiểm tra hoặc giật dây rốn lên. Đến khi cuống rốn rụng, các mẹ có thể phát hiện một chút máu trên tã, điều này là bình thường nên đừng vì quá lo lắng mà dùng các loại thuốc bôi hay rắc vào rốn bé nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu cảm thấy lo lắng vì rốn bé chậm rụng hơn bình thường, bạn có thể đưa bé đến bệnh viện để khám.
Luôn quan tâm đến các dấu hiệu quanh rốn bé. Các mẹ đừng nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào của bé. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh khu vực rốn của bé như sưng tấy, rỉ dịch mủ vàng, chảy máu, sốt hoặc ít bú thì hãy đưa bé đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Những sai lầm thường gặp trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh
Một trong những quan niệm sai lầm về việc chăm sóc rốn cho bé là băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Nhưng trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ …
Cachchuabenh.net (TH)