Ai là người có nguy cơ cao mắcbệnh sỏi thận?
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi thận. Tuy nhiên, người mắc một số bệnh hay có những điều kiện thuận lợi (trình bày bên dưới) hoặc sử dụng một số loại thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao hơn. Sỏi thận thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tại Mỹ, khoảng 12% ở nam và 7% ở nữ sẽ bị sỏi thận ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Khoảng 20 triệu người nhập viện hằng năm vì sỏi thận. Hầu hết sỏi thận gặp ở người từ 20 đến 49 tuổi. Người đã có hơn một viên sỏi sẽ có nguy cơ phát triển thêm nhiều viên sỏi khác.
Ở những nước công nghiệp phát triển, sỏi thận thường gặp hơn sỏi bàng quang. Ngược lại, ở những nước đang phát triển thì sỏi bàng quang là sỏi đường niệu thường gặp nhất. Điểm khác biệt trên được giải thích là do chế độ ăn khác nhau giữa hai vùng. Người sống ở phía Bắc và Tây Bắc nước Mỹ có chế độ ăn tăng nguy cơ tạo sỏi thận cao hơn những vùng khác. Hơn một vài thập niên vừa qua, tỉ lệ phần trăm người bị sỏi thận ở Mỹ đang ngày càng gia tăng nhưng cho đến nay nguyên nhân chính xác của sỏi thận vẫn chưa được xác định rõ.
Tiền sử gia đình bị sỏi thận cũng là yếu tố nguy cơ của sự hình thành sỏi thận. Sỏi thận có thể gặp ở tất cả chủng tộc thường gặp ở người châu Á và châu Âu hơn là người Mỹ chính gốc, người châu Phi hay người Mỹ gốc Phi.
Sỏi axit uric thường gặp hơn ở những người có nồng động axit uric trong máu tăng mạn tính.
Một số ít phụ nữ có thai (khoảng 1/1500-3000 thai kỳ) hình thành sỏi thận và có những bằng chứng cho thấy có những thay đổi trong thai kỳ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Những yếu tố đó bao gồm: dòng chảy của nước tiểu chậm lại do sự gia tăng nồng độ progesterone trong máu, giảm lượng nước đưa vào cơ thể do giảm khả năng chứa nước tiểu của bàng quang do tử cung lớn dần chèn vào. Phụ nữ có thai cũng tăng bài tiết canxi trong nước tiểu. Dù vậy, người ta vẫn còn chưa rõ liệu những thay đổi này của thai kỳ có trực tiếp tác động lên việc hình thành sỏi niệu hay không? Hay là những người phụ nữ này còn có những yếu tố tiềm ẩn nào khác dẫn đến việc hình thành sỏi thận của họ.
Các nguyên nhân gây ra sỏi
Sỏi thận được hình thành khi có sự giảm sút thể tích nước tiểu và/hoặc có sự gia tăng những chất hình thành sỏi trong nước tiểu. Loại sỏi niệu thường gặp nhất là sỏi canxi kết hợp với oxalat hay photphat. Khoảng 75% các trường hợp sỏi niệu là sỏi canxi. Những hợp chất hoá học khác có thể tạo thành sỏi niệu bao gồm axit uric, magie ammonium photphat (tạo thành sỏi struvite) và amino axit cystine.
Sự mất nước do giảm lượng nước uống vào hoặc luyện tập thể thao tích cực mà không bổ sung đầy đủ lượng nước sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Tắc nghẽn dòng nước tiểu cũng có thể dẫn đến sỏi thận.
Mặt khác, thời tiết cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi thận. Ở những vùng khí hậu khô và nóng, bạn sẽ dễ bị mất nước hơn, do đó sẽ tăng nguy cơ tạo thành sỏi hơn.
Sỏi thận cũng có thể do nhiễm trùng đường tiểu, nhất là sỏi struvite hay còn được gọi là sỏi nhiễm trùng. Bất thường chuyển hoá, bao gồm những rối loạn chuyển hoá di truyền có thể làm thay đổi thành phần của nước tiểu và làm gia tăng sự tạo thành sỏi ở một số người.
Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận
Gút: do tăng nồng độ axit uric mạn tính trong máu và nước tiểu có thể dẫn đến việc hình thành axit uric.
Tăng canxi niệu: là bệnh di truyền, gây ra sỏi trong hơn 50% trường hợp mắc bệnh. Người mắc bệnh này có nồng độ canxi trong nước tiểu rất cao do sự hấp thu quá mức canxi từ thức ăn. Từ đó hình thành sỏi canxi photphat và canxi oxalat.
Những bệnh khác liên quan đến ngu cơ sỏi thận bao gồm cường tuyến cận giáp, toan hoá ống thận xa và những bệnh chuyển hoá di truyền khác bao gồm tiểu cystin hay tăng oxalat niệu.
Bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận.
Bệnh viêm ruột, ruột nhân tạo, phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Một số thuốc cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận. Những thuốc này bao gồm: một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc kháng axit chứa canxi và thuốc ức chế protease như indinavir (Crixivan), một loại thuốc dùng để điều trị nhiễm HIV.
Chế độ ăn và luyện tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở một số người. Một vài trường hợp, uống nước không đủ có thể dẫn đến mất nước – yếu tố nguy cơ chính hình thành sỏi.
Những chế độ ăn khác có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở một số người là ăn nhiều protein động vật, ăn nhiều muối, tiêu thụ nhiều đường, cung cấp nhiều vitamin D, ăn quá mức các thức ăn có chứa oxalat như cải thìa. Điều bất ngờ là chế độ ăn ít canxi có thể làm thay đổi cân bằng canxi – oxalat và hậu quá là tăng tiết oxalat, cuối cùng tạo nên sỏi oxalat.