Tinh hoàn ẩn là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu mà còn nằm lại trên đường di chuyển tới bìu trong thời kì phôi thai. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 6 tuổi. Tinh hoàn ẩn có thể gặp ở cả 2 bên, có khi chỉ một bên và thường gặp nhất là tinh hoàn bên phải.
Tinh hoàn ẩn là tật xảy ra ở trẻ nam khi trong tinh hoàn của trẻ bị thiếu 1 hoặc cả 2 tinh hoàn. Nếu trong năm đầu sau sinh mà cả hai tinh hoàn vẫn chưa có mặt trong bìu thì có thể chắc chắn là trẻ mắc tật tinh hoàn ẩn. Trên thực tế tinh hoàn ẩn được phát hiện ở mọi lứa tuổi do không được quan tâm hoặc bị bỏ sót trong quá trình thăm khám lâm sàng.
Trong thời kỳ bào thai, 2 tinh hoàn của thai nam phát triển trong ổ bụng của thai nhi. Vào tháng thứ bảy của thai kỳ chúng di chuyển dần về phía dưới để đi vào trong bìu. Nếu quá trình này không xảy ra hoặc xảy ra không hoàn toàn đối với 1 hoặc cả 2 tinh hoàn sẽ làm xuất hiện tật tinh hoàn ẩn.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng tinh hoàn ẩn
Trẻ sinh thiếu tháng dễ mắc tật này hơn trẻ sinh đủ tháng, 30% trẻ bị tật này bị ẩn tinh hoàn cả hai bên và thường là
tinh hoàn phải bị nhiều hơn bên trái.
Có từ 2 đến 3% trẻ mắc tật này bị teo hoặc không có tinh hoàn, tật này thường kết hợp với các dị tật bẩm sinh khác và bất thường của nhiễm sắc thể.
Nếu trong gia đình có người mắc tật này thì tỉ lệ sinh con bị tật tinh hoàn ẩn sẽ gia tăng, một số trẻ có kèm theo thoát vị bẹn.
Tinh hoàn ẩn có thể nằm ở các vị trí khác nhau dọc theo đường đi xuống bình thường của nó: 10% ở trong ổ bụng, 40% trong ống bẹn, 25% ở cạnh bìu và 25% ở các vị trí bất thường khác.
Tinh hoàn ẩn gây ra những biến chứng gì?
Ung thư tinh hoàn: Trẻ bị tật tinh hoàn ẩn có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn trẻ bình thường gấp 20 lần.
Vô sinh: Tinh hoàn càng ở ngoài bìu lâu bao nhiêu thì khả năng bị vô sinh sau này của trẻ càng lớn bấy nhiêu. Nếu bị tinh hoàn ẩn ở cả hai bên thì chắc chắn trẻ sẽ bị vô sinh. Nếu bị một bên có thể làm giảm khả năng sinh sản.
Phát triển giới tính không đầy đủ do thiếu nội tiết tố sinh dục.
Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ nam.
Nên làm gì khi biết trẻ bị ẩn tinh hoàn
Cần khám thường xuyên trong năm đầu của trẻ để xem tinh hoàn có xuống được bìu hay không.
Không nên nói cho trẻ biết vì sẽ làm trẻ lo lắng làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Nếu trẻ bị tinh hoàn ẩn, nhất là khi tinh hoàn đã nằm gần bìu việc điều trị bằng nội tiết tố HCG tỏ ra có hiệu quả. Bố mẹ của trẻ nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viên, phòng khám uy tín để được điều trị và theo dõi vì việc điều trị bằng nội tiết tố rất phức tạp.
Sau một năm tuổi nếu thấy tinh hoàn không xuống hoặc điều trị bằng nội khoa không có kết quả cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi hoặc niệu nhi để quyết định việc phẫu thuật cho trẻ (không nên quá 18 tháng tuổi), phẫu thuật nhằm cố định tinh hoàn vào trong bìu và đồng thời giải quyết luôn tình trạng thoát vị và tránh biến chứng gây
đau tinh hoàn.
Khi đã ở tuổi dậy thì và tinh hoàn teo mất chức năng hoặc nguy cơ thoái hóa cao thì phải cắt bỏ tinh hoàn teo.