Viết và trình bày bởi: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn tư liệu lấy từ : DSM-IV và Case Book.
Mary Kendall là một nhân viên xã hội, cô năm nay 35t. Cô vốn được cho là một người rất tháo vát trong công việc của mình, nhưng lại có một cuộc sống riêng khá nhàm chán. Cô đã từng kết hôn một lần rồi li di vào 10 năm trước và chẳng hề có ý định kết hôn lại. Đa số khoảng thời gian rảnh rồi, cô đều tham gia tình nguyện ở mấy nhà tế bần chuyên giúp đỡ người nghèo. Trong lúc được chuẩn đoán tâm lý, cô kể lại một vài sự kiện lạ mà cô không thể nào giải thích nổi. Lúc Mary xong việc về nhà, bình gas của cô gần đầy, nhưng đến khi cô khởi động xe để đi làm vào sáng hôm sau, nó đã vơi đi quá nửa. Cô bắt đầu theo dõi chỉ số dặm mà cô đã chạy rồi phát hiện số xăng biến mất kia ứng với quãng đường 50-100 dặm trên đồng hồ. Có điều, cô không tài nào nhớ được mình đã đi đâu. Những câu hỏi đi sâu vào hơn nữa đã tiết lộ ra trong trí nhớ của cô có một lỗ hổng lớn về thời thơ ấu
Trong lúc được chữa trị bằng liệu pháp thôi miên, người chữa trị lại hỏi một lần nữa kí ức về khoảng thời gian mà cô không nhớ rõ. Bất chợt, có một giọng nói khác trả lời, “Đã đến lúc anh nên biết về tôi rồi đấy” . Nhân cách đó có cái tên chỉ khác đi một chút, Marian, kể và mô tả những chuyến đi đêm của cô đến những ngọn đồi gần đó hoặc bờ biển để “giải quyết vấn đề” . Trong khoảng thời gian này, người chữa trị đã có dịp tiếp xúc nhiều hơn với Marian, phát hiện ra cô thô lỗ và bất hợp tác còn Mary thì nhu nhược và biết quan tâm đến người khác. Marian nghĩ rằng Mary là kẻ yếu đuối và không biết cách làm bản thân vui vẻ, còn nói rằng “chỉ biết có người ngoài mà không biết lo cho bản thân mình chỉ phí thời gian thôi”
Thời gian trôi đi, thêm sáu nhân cách nữa bắt đầu hiện ra theo kiểu phụ thuộc/hung hăng. Áp lực và bất hòa căng thẳng nổi lên. Ai cũng muốn chiếm quyền điều khiển lâu hơn và Marian thì khơi dậy những tình huống hù dọa các nhân cách kia, bao gồm một nhân cách tự nhận cô chỉ là một đứa trẻ sáu tuổi. Khi người chữa trị đề nghị muốn bàn thảo vấn đề với một nhân cách khác thì cô bé không chịu, bảo rằng làm như thế sẽ xâm hại đến quyền riêng tư giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Ký ức xuất hiện cùng với những nhân cách này là khoảng thời gian lúc còn nhỏ mà Mary không tài nào nhớ được. Những trận bạo hành tình dục của cha và những người khác, cảm giác tội lỗi khi không bảo vệ được những đứa trẻ còn lại trong gia đình khỏi những lần bạo hành đó. Mary nhớ về mẹ của cô như một người khắc khổ, chịu đựng những trận bạo hành, nhưng lại phụ thuộc vào người cha độc ác kia và bắt Mary phải nấu ăn và dọn dẹp từ khi còn rất nhỏ.
Mary Kendall được chuẩn đoán là mắc bệnh Rối loạn đa nhân cách (Dissociative Identity Disorder)
Cuốn DSM-IV cho biết dấu hiệu của bệnh đa nhân cách là sự hiện diện của hai hay nhiều nhân cách riêng biệt hoặc những trạng thái tính cách khác biệt thường hay tranh quyền điều khiển hành vi. Người bị bệnh mất khả năng nhớ lại một số thông tin quan trọng về mình , những sự kiện lớn mà không thể giải thích được bằng từ “quên” bình thường. Nói đơn giản một chút, sẽ có những khoảng thời gian trong ký ức mà người bệnh không tài nào nhớ nổi, những chuyện quan trọng đã xảy ra trong quá khứ nhưng người bệnh không hề có một chút ý thức gì về nó cả. Sự rối loạn này phải không xuất phát từ thuốc, chất kích thích hay bất kỳ tình huống y khoa nào để được coi là Rối loạn đa nhân cách.
Có thể bạn cảm thấy ngạc nhiên, nhưng bệnh Rối loạn đa nhân cách thật sự rất hiếm gặp, thế mà ngày nay nó thường hay bị chuẩn đoán nhầm và quy chụp lệch lạc vô căn cứ. Theo như giáo sư dạy môn Tâm Lý Học cho tôi nói, người mắc bệnh đa nhân cách trải nghiệm cảm giác bị mất đi một khoảng thời gian dài mà không biết lý do cũng như không thể nhớ được trong khoảng thời gian đó mình đã làm gì, và người bệnh không hề có một ý cảm giác hay ý thức gì về những nhân cách còn lại của mình. Ví dụ như văn phòng của giáo sư tôi có một chị bệnh nhân. Chị kể chị về nhà từ sở làm lúc sáu giờ, và điều cuối cùng chị nhớ là chị đã ăn tối, nhưng sau đó chị làm gì thì chị chẳng thể nhớ lại được. Đến sáng hôm sau thì thấy mình đang nằm trên giường. Trong lúc đi mua sắm thì chị gặp được người quen. Nghe người đó kể rằng tối hôm qua chị ở trong quán bar nhảy múa rất sung sức khiến người đó rất ngạc nhiên vì chị vốn không như vậy. Nghe thế, chị ngờ ngợ cảm nhận được một điều gì đó không ổn vì chị sống rất có quy củ, tuyệt không đi chơi đêm, tuyệt không bia rượu, thế làm sao mà người kia thấy chị ở quán bar kia được. Thêm vào đó, thời gian mất đi càng lúc càng nhiều hơn. Từ ba giờ, đến năm giờ, rồi đến bảy giờ. . . dù có cố gắng cách mấy chị cũng không thể nhớ ra. Đây cũng là lúc chị nhờ đến văn phòng tâm lý của nhóm giáo sư dạy tôi. Chẳng hề nghi ngờ gì nữa, chị mắc bệnh Rối loạn đa nhân cách.
Chắc đọc đến đây có bạn sẽ hỏi “Có những lúc tôi lái xe đến nhà bạn chơi, nhưng tôi không tài nào nhớ ra là tôi đi đường nào, đến bằng cách nào, cho đến khi dừng trước cổng, tôi mới biết mình tới nơi rồi. Vậy tôi có phải mắc bệnh đa nhân cách hay không?” Thưa bạn, câu trả lời tôi có thể chắc chắn trong tình huống này là không. Tình trạng đó xảy ra khi bạn quá tập trung vào một vấn đề gì đó, chứ không phải là sự thay đổi nhân cách. Hơn nữa, quãng thời gian mà bạn mất đi ký ức phải dài, chứ không phải là vài chục phút lái xe.
Chứng rối loạn đa nhân cách phản ánh sự thất bại trong việc thống nhất tất cả những khía cạnh của tính cách, trí nhớ và ý thức. Mỗi một trạng thái nhân cách có thể trải nghiệm từng khoảng ký ức nhất định và riêng biệt so với các nhân cách còn lại. Thường thì có một nhân cách chính mang tên thật ( tên được ba mẹ đặt và hiện diện trên giấy tờ hành chính) và nhân cách này luôn ở thế bị động, phụ thuộc, hay mang cảm giác tội lỗi và trầm uất. Những nhân cách còn lại có những tên riêng khác biệt và có tính cách trái ngược hẳn với nhân cách chính. Nếu như nhân cách chính ngoan hiền, vâng lời, thì các nhân cách còn lại thương là hung hăng và nổi loạn. Những nhân cách đặc biệt thường hiện ra trong một số tình huống nhất định và tuỳ theo độ tuổi, giới tính , ngôn ngữ, thường thức hoặc có những tác động chiếm ưu thế lên nhân cách chính. Những nhân cách xen kẽ kia chiếm quyền điều khiển liên tiếp nhau (nhân cách chính vừa mất quyền điều khiển là các nhân cách khác lần lượt nổi lên) , thường các nhân cách này không chấp nhận những kiến thức, sự hiểu biết của nhân cách kia, chỉ trích lẫn nhau hoặc xuất hiện cùng lúc. Giữa các nhân cách xen kẽ thì sẽ có một nhân cách mạnh hơn, nắm quyền lãnh đạo và phân phối thời gian cho những nhân cách còn lại ( trong trường hợp của Mary Kendall mà tôi nói phía trên thì nhân cách lãnh đạo các nhân cách khác chính là Marian) . Những nhân cách dữ dội, bất hợp tác khác có thể xen ngang hoạt động bất kỳ lúc nào hoặc đặt người khác vào các tình huống khó xử.
Cá nhân người mang bệnh Rối loạn đa nhân cách này sẽ trải nghiệm những khoảng trống trong trí nhớ, về quá khứ lẫn hiện tại. Sự lãng quên này thường bất đối xứng. Nhân cách chính nào càng thụ động thì càng có ít ký ức về mình, và ngược lại, nhân cách nào càng hung hăng, chống đối , có ý điều khiển hoặc “bảo vệ” thì sẽ có nhiều ký ức hoàn chỉnh về mình. Những nhân cách khi không nắm quyền điều khiển vẫn có thể xâm nhập vào ý thức của nhân cách còn lại bằng việc tạo ra những thanh âm hoặc ảo giác ( ví dụ như ra lệnh ). Những bằng chứng về sự lãng quên và hiện diện của nhân cách khác thường được phát hiện bởi những người có dịp chứng kiến những hành vi mà thường nhân cách chính sẽ không bao giờ làm, hoặc được phát hiện ra bởi nhân cách chính ( tìm thấy những món đồ mà mình không thể nhớ là đã mua lúc nào) . Sự luân phiên thay đổi quyền điều khiển giữa các nhân cách thường xuất hiện dưới những áp lực về tâm lý. Và thời gian chuyển đổi giữa hai nhân cách chỉ xảy ra trong tích tắc. Những biểu hiện thường xuất hiện cùng với sự chuyển đổi nhân cách này thường là nháy mắt không ngừng, cơ mặt thay đổi , giọng nói khác hẳn . Số nhân cách thường ở trong khoảng từ hai cho đến mười.
Vậy thì nguyên nhân về sự Đa nhân cách này là do đâu? Những trường hợp về bệnh Rối loạn đa nhân cách này thường có một điểm chung là bệnh nhân từng có một khoảng thời gian bị bạo hành về thể xác lẫn tình dục, đặc biệt là khi còn nhỏ. Bởi vì những ký ức về tuổi thơ đó quá mức kinh khủng dẫn đến sự biến đổi về nhân cách. Thực ra, những nhân cách này xuất hiện chỉ với một mục đích duy nhất, bảo vệ nhân cách chính. Đúng vậy, là bảo vệ chứ không phải xâm hại nhân cách chính. Những lúc nhân cách chính gặp áp lực về tâm lý, hoặc bị đặt vào trong những tình huống khó xử, và có ý định trốn chạy thì những nhân cách phụ sẽ nổi lên, thay nhân cách chính giải quyết mọi việc, hoặc chịu thay cho nhân cách chính những trận bạo hành. Những khoảng thời gian mà nhân cách phụ lên nắm quyền, giống như là một khoảng ngừng để nghỉ ngơi của nhân cách chính. Bệnh nhân với chứng rối loạn đa nhân cách này thường hay trải nghiệm những chấn thương về tâm lý rõ ràng ( thường hay gặp ác mộng, những hình ảnh về quá khứ thoáng qua trí óc) . Có một vài bệnh nhân khác thường lặp đi lặp lại những mối quan hệ có liên quan đến bạo hành thể xác và bạo hành tình dục
Nghiên cứu cho biết chứng Rối loạn nhân cách có thể xảy ra ở bất kỳ xã hội nào. Tỷ lệ phụ nữ mắc chứng bệnh này cao từ ba đến chín lần so với Nam giới va phụ nữ thường có nhiều nhân cách hơn. Trung bình là 15 nhân cách, trong khi con số đó ở Nam giới là 8 nhân cách. Giới báo chí Việt Nam hình như có rất nhiều hứng thú với loại bệnh này. Bằng chứng là có rất nhiều bài báo được lược dịch, hoặc lấy nguồn từ những trang khác về những người mắc bệnh này. Nhưng nó không đi sâu vào hành vi và tâm lý và nguồn gốc bệnh mà giống như là ví dụ hơn. Mọi người có thể đọc thêm về những trường hợp bị mắc bệnh này ở đây:
Những người có gần 20 nhân cách
Tuy nhìn thì có vẻ bệnh Rối loạn đa nhân cách rất phổ biến, nhưng tôi xin nhắc lại một lần là nó thuộc dạng bệnh hiếm và không dễ bị phát hiện ra. Người điều trị phải đi sâu vào lịch sử của người bệnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu không thì sẽ rất dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh khác như Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) hay Chấn thương tâm lý (Posttraumatic stress disorder – PTSD)
Trong các tác phẩm truyện tranh hay văn học, những người bị mắc bệnh Rối loạn đa nhân cách thường được mô tả như những kẻ tâm thần, điên cuồng, giết người hàng loạt. Khác với chứng Rối loạn nhân cách phản xã hội mà tôi đã đề cập tới ở kỳ trước, Thật sự ra, mối tương quan giữa chứng Rối loạn đa nhân cách và các loại tội phạm rất hiếm, tỷ lệ không cao. Vì bản chất sự hình thành các nhân cách phụ giống như kiểu trốn chạy khỏi hiện thực của nhân cách chính.
Hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể loại trừ hoàn toàn các nhân cách khác và chỉ để lại nhân cách chính. Cách duy nhất là thống nhất các nhân cách lại với nhau. Sau 4 năm theo khoá tâm lý trị liệu, Mary Kendall giờ đây hợp nhất một số nhân cách lại. Đã có hai nhân cách tương tự nhau nhập lại thành một. Những nhân cách còn lại bắt đầu đề phòng lẫn nhau và còn tiếp tục đấu tranh theo chu kỳ. Tuy còn chưa khỏi hẳn nhưng điều này phần nào cũng giúp Mary dễ dàng quản lý được hành vi của các nhân cách khác hơn.
____________
Nguồn :
http://hiroshimi.wordpress.com/2012/05/2...-disorder/