Tôi có một người bạn từng sống ở Pakistan, nơi anh là một nhà hoạt động vì quyền động vật. Một ngày nọ, anh đang đi bộ thì nhìn thấy một đám đông đang tụ tập quanh các gian hàng một người bán chim. Một người đàn ông đã mua một số con chim myna – một loài chim nổi tiếng ở Pakistan vì khả năng bắt chước âm thanh. Ông đã mua tất cả 32 con chim, chỉ để thả cho chúng bay đi.
Bạn tôi đã ngạc nhiên trước hành động tử tế này, một phần vì những hành động đó thường không phổ biến trong thế giới của chúng ta, nơi con người nhìn chung không tử tế lắm với động vật. Nhưng anh ấy cũng ngạc nhiên về phản ứng của anh trước hành động tử tế đó. Trong anh đầy ắp cảm giác bình an. Một sự yên tĩnh kì lạ tràn đầy môi trường xung quanh anh, và anh cảm thấy hoàn toàn không lo lắng hoặc lo sợ. Cảm giác bình an và vui sướng vẫn tồn tại trong anh vài ngày.
Đây là ví dụ về một kinh nghiệm mà hầu hết chúng ta đều quen thuộc, dù các nhà tâm lý học không chú ý nhiều đến nó. Nó là sự ấm áp, cảm giác sung sướng tuyệt vời chúng ta có được khi chúng ta chứng kiến những hành động tử tế. Thậm chí những hành động tử tế đơn giản nhất cũng đem lại cho bạn cảm giác này: một người đi đường cho một người đàn ông vô gia cư bữa trưa của anh, một người lạ giúp một người mù băng qua đường, hoặc một vị khách đi tàu điện ngầm nhường chỗ cho một cụ già. Hoặc khi chúng ta nhìn thấy những hành động tử tế ở động vật - ví dụ, bạn có thể xem đoạn video ngắn này và quan sát phản ứng của bạn.
Theo cách này, chứng kiến những hành động tốt bụng có thể là một nguồn đem lại “những kinh nghiệm tuyệt đỉnh” theo cách gọi của Abraham Maslow (peak experiences) – những giây phút ngạc nhiên, sợ hãi và cảm giác của sự ‘đúng đắn’ làm chúng ta cảm thấy vô cùng biết ơn khi còn sống.
Jonathan Haidt là một trong vài nhà tâm lý thảo luận về kiểu kinh nghiệm tuyệt đỉnh này. Ông gọi nó là ‘sự hân hoan’ và mô tả nó như một “cảm giác ấm áp trong lồng ngực, một cảm giác rộng mở trong trái tim, một khao khát muốn giúp đỡ và một cảm giác kết nối với những người khác.” Theo cách nói của ông, đó là biểu hiện của bản chất ‘cao hơn’ hoặc ‘tốt đẹp hơn’ của loài người.
Trong thực tế, đây có thể là một nguyên nhân tại sao kinh nghiệm xuất hiện – vì chúng đem đến một niềm tin được hồi phục lại về bản chất con người, một cảm giác của lòng tốt mà con người có thể có, nó đôi lúc dường như khó nhìn thấy giữa lúc hỗn loạn và xung đột trong thế giới. Nhưng cảm giác của sự kết nối được Haidt nói đến cũng rất quan trọng. Như tôi đã viết trong bài trước, lòng tốt vượt qua những sự chia cách người-người mà chúng ta thường trải nghiệm. Nó kết nối chúng ta với người khác, và trong thực tế, lòng tốt thuần khiết là có khả năng tồn tại, vì ở mức độ sâu sắc nhất, tất cả mọi người là một phần của hệ thống ý thức chung. Người có hành động tử tế trải nghiệm điều này, và có lẽ người nhận được hành động tử tế cũng trải nghiệm điều này. Và khi chúng ta chứng kiến hành động tử tế thì chúng ta cũng trở thành một phần của hệ thống.
Vì vậy khi bạn xem xét việc thực hiện một hành động tử tế, hãy nghĩ về 3 ảnh hưởng tích cực tiềm ẩn của nó. Có một ảnh hưởng tích cực lên người nhận, và cả ảnh hưởng tích cực lên bạn nữa – bạn có thể thấy bản thân trải nghiệm cảm xúc tích cực của người giúp đỡ. Nhưng có lẽ ảnh hưởng lớn nhất trong tất cả sẽ là ảnh hưởng lên một người chứng kiến hành động tử tế đó.
Nguồn
Elation: The Amazing Effect of Witnessing Acts of Kindness
Why do we have peak experiences when we see people being kind to each other?
Published on November 15, 2013 by Steve Taylor, Ph.D. in Out of the Darkness
PsychologyToday