Tự sát – Phần 3 ( Gào )
kisd > 06-27-2011, 01:46 PM
Hình như Hải Minh đã khóc khi bước đi. Nhưng đó chỉ là cảm giác của tôi, và tôi không dám chắc. Anh ta chẳng có lý do gì để khóc cho chuyện này. Đối với An Vi, anh ta cũng chỉ là một luật sư mà thôi, không ruột già, máu mủ. Có thể, tôi đã quá nhạy cảm chăng? Ngồi lại một mình trong căn hộ vắng vẻ. Mọi thứ đều lặng lẽ buồn rầu. Tôi cầm cuốn băng của An Vi trên tay, cứ lưỡng lự mãi không biết có nên xem nó ở đây hay không? Thực lòng, có những điều mà tôi không muốn biết thêm gì nữa…. Tôi đã biết quá nhiều rồi… Quá nhiều tới nỗi tôi mong giá như tôi đừng biết, để không bị quá tải cảm xúc như thế này.
Hải Minh đã kể với tôi về An Vi, cái ngày đầu tiên tôi gặp anh ta ở văn phòng luật sư để nói về những tài sản mà An Vi để lại. Ngày hôm đó, tôi vừa nghe vừa cảm thấy sững sờ… Tôi đờ đẫn và tai tôi cứ rối ù lên không chủ đích. Đầu óc tôi tua nhanh những dữ kiện về An Vi mà Hải Minh đã nạp vào não mình…
Đó là…câu chuyện của cô ấy… câu chuyện quá thiếu tính… yên bình…
An Vi là người Bắc. Cái giọng Nam đặc sệt của cô ấy khiến tôi chẳng mảy may nghi ngờ rằng, cô ấy có gốc gác ở một nơi xa xôi nào khác ngoài Sài Gòn. Nhưng trên thực tế, An Vi lại là người Nam Định. Cô ấy thậm chí chẳng có bố mẹ ở Mỹ và hoàn toàn không có ai chu cấp gì từ năm lớp 7, như tất cả những điều mà cô ấy cố gắng miêu tả, tạo ra trong mắt bạn bè mình.
Đúng là, An Vi đã phải tự lập từ năm 14 tuổi tại mảnh đất này. Song, tự lập theo đúng nghĩa của từ này là… không nơi nương tựa và đầy côi cút. Nếu tôi là một nhà văn, tôi sẽ viết lại cuộc đời An Vi. Cái chết này có lẽ là cái kết không hợp lý cho câu chuyện ấy.
Bạn gặp một cô gái xinh đẹp trên phố, với khuôn mặt hay cười và bề ngoài quyến rũ. Tất cả những gì mà bạn nhìn thấy là vẻ bề ngoài ấy, còn về quá khứ và sự thật đằng sau đó, bạn sẽ tự thêu dệt nó một cách hợp lý cho mình. Bởi bạn chẳng có lý do gì mà phải nghĩ rằng, sau khuôn mặt ấy là biển hồ mênh mông song vỗ. Chúng ta thường sống vô tâm như vậy. Áp đặt những đánh giá chủ quan qua những cái nhìn đầu tiên về người khác, chẳng bao giờ tim hiểu rõ một người… Chúng ta… sống vô tình hơn chúng ta tưởng.
Tất cả bạn bè của An Vi và ngay cả tôi nữa, chẳng bao giờ để tâm đến thế giới nội tâm cồn cào của AN Vi mà đến bây giờ khi cô ấy chết đi mới dần dần hé lộ.
An Vi sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật tại Nam Định. Đó là một thành phố chẳng mấy ồn ào. Bố Vi làm quản lý của một rạp hát, còn mẹ là biên đạo múa. Cuộc sống của họ bình lặng trôi qua với gia đình 4 người nho nhỏ. An Vi có người em trai kém mình 4 tuổi, rất dễ thương.
Cô được đi học ballet từ nhỏ. Môn nghệ thuật này vào những năm 90 không mấy phổ cập ở nơi mà An Vi sống. Thế nên, rất ít người theo học. Vì thế mà An Vi có nhiều cơ hội đi biểu diễn và gặp gỡ rất nhiều người. Cộng thêm vẻ ngoài dễ thương, An Vi có thể xem là cô bé được yêu thương nhất thành phố với vô vàn giải thưởng.
Năm An Vi học lớp hai, có một người bạn của gia đình, là nhà báo của một tờ báo lớn xuống Nam Định chơi. Thấy cô bé xinh xắn, người này đã chụp một bộ hình cho An Vi làm kỷ niệm trong bộ đồ ballet trắng rất xinh của cô bé.
Vài tháng sau, mọi chuyện trở nên tồi tệ, khi những hình ảnh ấy vô tình được sử dụng làm hình minh họa cho một loạt phóng sự về “hiếp dâm trẻ em” của tờ báo nọ. Trong bài báo đó, người ta nói về chuyện cha lạm dụng tình dục của con gái, một điều quá tai hại trong xã hội ngày đó ( và cho đến tận bây giờ ). Hình của cô bé An Vi ôm tay làm động tác xong vòng được nhìn thấy rất rõ trong bộ đồ ballet bó sát. Phía dưới tấm hình có một dòng ghi chú nhỏ: “Những nụ cười hồn nhiên của bé gái này liệu có bị người cha nhẫn tâm dập tắt?”
Ngay lập tức, bài báo trở thành đề tài nóng hổi ở khắp thành phố. Không chỉ bởi nội dung nhức nhối của nó, mà còn bởi bức hình của con gái quản lý rạp hát… Người ta bắt đầu lên án gay gắt cha của An Vi vì đã… lạm dụng con gái mình.
Mặc cho gia đình An Vi ra sức giải thích và đính chính, nhưng không một ai tin cả. Cha của An Vi gọi cho người bạn nọ, yêu cầu họ đăng bài giải thích hình ảnh trên, thì chỉ nhận được một lời xin lỗi cỏn con và những thông tin không đáp trả. Người đó nói chỉ là hình minh họa, không có gì to tát cả. Đơn giản vậy thôi mà cuộc sống gia đình An Vi đã rẽ sang một ngả khác hoàn toàn… Người ta có thể phá hủy cuộc đời của một con người, rồi lẳng lặng nói một câu xin lỗi vô tư là thế?
Suốt năm lớp 2 đó, An Vi không thể chịu nổ áp lực của sự thương hại. Bạn bè cùng lớp nhìn An Vi mỉa mai. Thầy cô thì luôn gọi lên văn phòng tâm sự và an ủi… An Vi hãy cố vượt qua hoàn cảnh. Đã nhiều lần cô bé khóc thét nói không có chuyện đó. Nhưng mọi người thay vì tin vào lời nói đó của cô gái nhỏ, thì chỉ lặng lẽ lắc đầu… thương con bé vì đâu mà ra nông nỗi ấy… Họ lúc nào cũng có thái độ… : “Đừng chối, chúng tôi hiểu mà!”
Cuối lớp hai, An Vi phải chuyển trường vì không chịu nổi sức ép đó. NHưng khi sang trường mới thì mọi chuyện cũng không có gì tốt hơn. Câu chuyện nổi tiếng về cô bé lớp 2 bị cha lạm dụng đã lan hết thành phố… Lại những tháng ngày khổ sở vì được… chở che một cách quá lố của thầy cô bạn bè… An Vi gần như bị hoảng sợ. Cô bé đã phải nghỉ học một năm do tâm thần không ổn định bởi “sự tỏ ra hiểu biết” một cách rất nguy hiểm của những người xung quanh mình.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó, gia đình An Vi phải chuyển nhà ba lần trong vòng một năm. Bà nội cô bé vì không chịu được rèm pha thiên hạ mà sinh bệnh rồi sớm qua đời. Bà ra đi để lại nỗi dằn vặt khôn nguôi trong lòng cha An Vi. Ông đã nghỉ việc sau sự cố đó do không chịu nổi áp lực từ dư luận. Họ chỉ trích ông không ngừng về hành vi đồi bại. Ông bị kỷ luật tại nơi làm việc với những bảng cáo trạng không tên. Mọi thứ đều đi xuống cho dù gia đình An Vi đã cố gắng tìm lại công bằng ở khắp nơi, nhưng bất lực. Cha An Vi trở nên ngập chìm trong rượu chè… Một mình mẹ An Vi phải lặn lội kiếm sống nuôi hai chị em và người chồng nghiện ngập. An Vi lớn lên trong sự hoảng loạn không ngừng đó. Cô luôn cố gắng để gồng gánh mọi thứ cùng với mẹ. Sống trong cuộc sống bần hàn, mệt mỏi. Mẹ An Vi lâm bệnh rồi qua đời năm cô học lớp 7. Cha An Vi cũng lặng lẽ ra đi sau một năm chiến đấu với bệnh ung thư gan.
Sau sự ra đi của cha mẹ, hai chị em An Vi sống chung với gia đình nhà ngoại. Nhưng vì thương xót con gái mình, ông bà ngoại cảm thấy vô cùng ác cảm với An Vi. Con bé là tác nhân gây ra tất cả mọi thứ. Nếu không có tấm hình đó trên báo, thì gia đình nó đâu ra nông nỗi này? Sống trong đay nghiến và sự ghẻ lạnh ấy… An Vi lặng lẽ thu xếp đồ đạc, ăn trộm tiền của dì… Trốn lên Hà Nội và chạy theo xe đò vào tới Sài Gòn… Từ đó, cô không còn một chút liên quan nào tới em trai của mình nữa… Và dường như, gia đình An Vi cũng không có ý định tìm kiếm một đứa trẻ lạc dòng như cô.
Những định kiến xã hội, sự bảo thủ của lòng người…đã khiến một cuộc đời đi lạc…
An Vi đã có một tuổi thơ lăn lội nơi xa xứ. Cô ăn xin và thậm chí ăn cắp để sống lăn lóc ở thành phố nhộn nhịp này… Ngày qua ngày, An Vi tìm mọi cách để sinh tồn và học cách lãng quên quá khứ. Cô chẳng còn nhớ gì nữa về những chuyện đã qua… An Vi sống gai góc, gai góc lắm…
Da cô đen sạm lại trong những ngày vất vưởng nắng nôi phố phường. Bị đánh bầm dập những lần giật đồ bị người ta tóm được. Hai lần bị bắt vào trại cải tạo thanh thiếu niên hư hỗn. An Vi trở thành đứa con bất trị của đường phố từ lúc nào không hay…
Cuộc đời An Vi là một đoạn phim tua quá nhanh, càng xem càng trở nên nghẹn ngào không đuổi kịp. Mọi thứ cứ dồn dập như thể quá vô lý nếu xảy ra như thế…
17 tuổi, An Vi theo một vài người bạn, làm lính chạy hàng buôn lậu phụ tùng xe từ Campuchia về Việt Nam. Dù tôi không nghĩ rằng, chỉ buôn lậu thôi cũng có thể mau chóng trở nên giàu có. Song, tôi không có cách lý giải nào tốt hơn cho tất cả mọi chuyện, ngoài việc lắng nghe Hải Minh kể lại. Đó là những ngày tháng phiêu lưu đầy mạo hiểm. Còn vì sao An Vi có được số tài sản mà không phải cô gái ở tuổi 27 nào cũng có thể có được, từ một đứa trẻ vất vưởng của phố phường… thì Hải Minh không nói một cách sâu sát. Anh ta làm luật sư riêng cho những thương vụ làm ăn và luồn lách luật pháp của An Vi đã được 5 năm. Cuộc sống của An Vi có quá nhiều nội tình luẩn quẩn… Đó là một góc khuất mà suốt hai năm nay, quen biết và chung sống cùng An Vi tôi không hề nhìn thấy.
Trong suốt hai năm chúng tôi sống cùng nhau, An Vi luôn là một cô gái ngông cuồng. Tôi luôn thấy cô ấy giống như hầu hết những tiểu thư con nhà giàu được cha mẹ chiều chuộng và đầu tư quá mức. An Vi cặp kè với rất nhiều chàng trai, tiêu xài cũng vô cùng hoang phí. Tính tình phóng khoáng, nhiều bạn bè vì sống không chi ly, có phần hơi dễ dãi. Gặp bạn bè, lúc nào cũng cười nói sảng khoái như thể chẳng có gì ưu lo.
Có thể, tôi đã quá vô tâm? Hay An Vi giấu giếm quá kỹ những gì về cô ấy để tôi không thể nào nhìn thấy nổi.
Vừa suy nghĩ, tôi vừa cầm cuốn băng mà người ta đưa lại tại đồn cảnh sát. Vẫn những suy nghĩ rối bời làm tả tơi trí óc. Tôi bật khóc.
Bỗng, có tiếng mở cửa lạch cạch. Tôi giật mình đứng dậy. Tôi đã khóa cửa rồi cơ mà?
Liệu còn ai khác có chìa khóa của căn nhà này ư?
Không ai khác.
Đó chính là Duy Anh – bạn trai của tôi.
[ Còn nữa...]
Gào – 18/3/2011