Từ ngày 8 - 11/11 hàng năm, cộng đồng game thủ lại hướng về thành phố Busan, Hàn Quốc, nơi diễn ra triển lãm game G-Star, một trong ba triển lãm game lớn nhất thế giới.
Không hổ danh là một trong những triển lãm game thường niên lớn nhất thế giới, G-Star 2012 quy mô cả về diện tích, số lượng gian hàng cũng như số lượng các nhà phát triển, nhà phát hành đến từ các quốc gia khác nhau. Theo thống kê sơ bộ G-Star năm nay có sự góp mặt của 434 công ty đến từ 31 nước, diện tích tổ chức lên tới 43.000m2, được chia thành các khu chính là B2C, B2B, khu tổ chức thi E-Sport, khu triển lãm ngoài trời, và khu tổ chức hội thảo, game festival… G-Star năm nay chào đón thêm khoảng 15% công ty tham gia so với năm ngoái và diện tích triển lãm được mở rộng lớn hơn 40%.
Tổng cộng có 541 gian hàng trong toàn diện tích hội chợ, trong đó số lượng các gian hàng B2B là 318, với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Nexon, Neowiz Games, Hangame, Blizzard Entertainment và Sega. Neowiz Games là công ty có giang hàng B2B lớn nhất (tổ hợp của 15 gian hàng nhỏ ghép lại) và hãng cũng ra mắt sản phẩm mới lần đầu tiên trước công chúng, có tên là BLESS, một sản phẩm MMORPG quen thuộc. Trong khi đó, công ty game lớn nhất Hàn Quốc, Nexon, thì ra mắt cả chùm sản phẩm gồm game FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) là WARFACE và Counter Strike Online 2, game thể thao là FIFA Online 3 và Pro Baseball 2 và dòng game MMORPG là Mabinogi 2: Arena và Project NT.
Trong số những nhà phát triển góp mặt tại G-Star 2012 năm nay có 2 ông lớn trong làng game Việt đó là VNG và VTC Online. Diện tích gian hàng của VTC Online tại G-Star năm nay to gấp 3 năm ngoái và lớn gấp 3 lần so với tại hội chợ ChinaJoy hồi tháng 7 vừa qua. VNG không chọn một gian hàng độc lập mà nằm trong tổ hợp của Tencent cùng với Ganera, levelupgame, mail.ru game.
Các dự án game của đại diện Việt Nam mang đến G-Star năm nay đều là những dự án quen thuộc và đã từng góp mặt tại G-Star năm ngoái như Squad, Generation 3, Sắc màu đại dương, Tour 247, Showbiz. Ngoài ra chuyến đi lần này, VTC Online còn mang theo 3 game mạng xã hội mới là Đội hình may mắn, ATM đá quý và Penalty Knock Out, trong đó Penalty K.O chưa công bố tại quê nhà.
Atayants Igor, CEO của Eyeview Investments S.A, 1 công ty có trụ sở ở Luxemburg tại thị trường Nga tỏ ra rất thích thú với sản phẩm Generation 3. Vị CEO này cho biết rất ấn tượng với đồ họa của game và sẽ chơi thử bản tiếng Anh và xem xét việc phát hành game này ở thị trường Nga.
Với sự lên ngôi của mảng game online trên di động, các nhà phát hành năm nay có vẻ không còn mặn mà với những siêu phẩm trên nền web như trước đây. Ban tổ chức G Star cũng ghi nhận số lượng nhiều gấp đôi các sản phẩm mobile game so với hội chợ này năm ngoái. Những sản phẩm của đại diện Việt Nam cũng nhận được sự chú ý của những đối tác nước ngoài, đặc biệt là khi Penalty K.O cũng đang được phát triển phiên bản mobile (trên cả 2 nền tảng iOS và Android).