[size=medium]
Một trong những sai lầm của chúng ta khi đánh giá người khác là cho rằng tính cách được thể hiện toàn bộ qua hành vi. Tuy nhiên, điều này bỏ quên một yếu tố quan trọng khác quyết định đến hành vi của con người: sự tác động của môi trường. Các yếu tố môi trường có thể làm một người thể hiện hoàn toàn trái ngược với các biểu hiện thông thường xuất phát từ tính cách.
Vào năm 1973, hai nhà tâm lý học xã hội Darley và Barton đã kiểm chứng hành vi của con người qua việc tái thể hiện câu chuyện “Người Samaritan tốt” trong Kinh thánh. Câu chuyện kể về hành trình của một người Do Thái đến Jericho. Anh ta bị tấn công và nằm trên một bên đường. Một linh mục và trợ lý bước qua, và cuối cùng một người Samaritan, vốn được cho rằng ghét người Do Thái, đã giúp đỡ người đàn ông bị nạn. Darley và Batson tự hỏi, liệu chúng ta có đưa ra những phán xét quá nhanh chóng về linh mục và người trợ lý. Có thể họ đang có việc cần đi gấp?
Hai nhà tâm lý đã tụ họp 67 sinh viên từ trường đạo Princeton Theological Seminary và thông báo với các sinh viên đây là một thí nghiệm về giáo dục đạo và nghề. Các sinh viên thực hiện một bản khảo sát tâm lý và được yêu cầu phát biểu ở một căn phòng gần đó. Một nửa sinh viên được yêu cầu nói về những công việc phù hợp sau tốt nghiệp, nửa còn lại được yêu cầu nói về câu chuyện “Người Samaritan tốt”.
Các sinh viên không hề biết họ đang tham gia vào một thí nghiệm tái hiện câu chuyện “Người Samaritan tốt”. Sau khi thực hiện bản khảo sát tâm lý và trên đi đến căn phòng gần đấy để thực hiện bài phát biểu, họ sẽ thấy một người nằm sập người ở hành lang, mắt nhắm và ho liên tục. Đây là nhân vật do một thành viên của nhóm nghiên cứu đóng vai. Các sinh viên sẽ phải đi qua người đàn ông này để đến địa điểm được yêu cầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng quyết định có giúp đỡ người đàn ông phụ thuộc vào việc các sinh viên có vội vã hay không. Chính vì vậy, họ đưa cho các sinh viên bản đồ và một trong ba hướng dẫn sau đây:
“Em trễ rồi. Họ đã chờ em từ vài phút trước đây. Tốt nhất là chúng ta nên nhanh lên”
“Người phụ tá đã sẵn sàng, hãy đến chỗ đó ngay.”
“Cần vài phút để người nghe sẵn sàng, nhưng mà em nên đến đó sớm hơn”
Ba mức độ khác nhau của sự vội vã được tạo ra. Một vài sinh viên cần phải nhanh chóng đến nơi, một vài không cần phải vội vã và số còn lại khá thong thả. Trong ba nhóm mức độ này, có hai tình trạng khác nhau: một nửa sinh viên được yêu cầu nói về lựa chọn nghề nghiệp, một nữa nói về câu chuyện “Người Samatiran tốt”. Như vậy, các nhà tâm lý có thể xem xét mức độ ảnh hưởng của hai yếu tố: sự vội vã của người tham gia trong tình huống và nội dung bài phát biểu. Yếu tố nào sẽ có sức ảnh hưởng nhiều nhất đến các sinh viên? Hãy lưu ý, đây là các sinh viên trường đạo, nhiều người trong số đó sẽ trở thành các linh mục tương lai.
Đây là kết quả: 40% trong số các sinh viên sẽ giúp đỡ người bị nạn nhưng mức độ của sự vội vã ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của các sinh viên:
Mức độ vội vã thấp: 63%
Mức độ vội vã trung bình: 45%
Mức độ vội vã cao: 10%
Nội dung của bài phát biểu cũng có tác động đến các sinh viên. 29% các sinh viên phát biểu về sự lựa chọn nghề nghiệp và 53% các sinh viên phát biểu về câu chuyện “Người Samaritan tốt” sẽ giúp đỡ người bị nạn.
Hãy nhớ lại trước đó, các sinh viên đã thực hiện một bài kiểm tra tính cách. Hầu hết họ đều có tính cách hướng đến tôn giáo (religiosity). Tuy nhiên, khi các nhà tâm lý so sánh mức độ ảnh hưởng của tính cách đến hoàn cảnh, mức độ ảnh hưởng của “tính cách hướng đến tôn giáo” gần như không tạo sự khác biệt trong quyết định của các sinh viên. Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy được
hoàn cảnh đã hoàn toàn lu mờ sự ảnh hưởng của tính cách đến hành vi.
Kết quả của thí nghiệm này phù hợp với xu hướng tâm lý “fundamental attribution error” (tạm dịch: sự phân bổ sai cơ bản). Đây là xu hướng của con người khi luôn cho rằng hành vi của luôn phản ánh tính cách chứ hành vi không liên quan đến hoàn cảnh. Trái ngược với nhận định này, các nghiên cứu cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh và môi trường ảnh hưởng đến hành động của chúng ta nhiều hơn là tính cách. Mỗi người đều chịu tác động của môi trường để từ đó thực hiện các hành động, đôi khi có hoặc không cân nhắc. Những hành vi “không tốt” chưa chắc do những người “không tốt” thực hiện, và những hành vi “tốt” cũng chưa chắc chỉ xuất phát từ những người “tốt”.
Sẽ thật không công bằng nếu đánh giá một con người chỉ dựa vào hành động. Trong rất nhiều trường hợp, các hành vi của con người thể hiện rất ít về tính cách của chúng ta, mà thể hiện nhiều hơn về sự phức tạp của môi trường.
Nguồn:
Spring
Lan T dịch
Lời người dịch: Bài viết đưa ra một giả thuyết có thể giải thích cho sự thờ ơ của nhiều người qua đường trong câu chuyện về cô bé người Trung Quốc hai tuổi không nhận được sự cứu giúp khi rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Đôi khi thái độ chỉ trong một hoàn cảnh không thể hiện được đầy đủ về tính cách con người. Chúng ta cần quan sát về hành vi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mới có thể đưa ra nhận định về người khác. Chúng ta có thể gọi những người qua đường là vô tâm, nhưng không vì thế mà có thể kết luận về nhân phẩm của họ và lên án cả một dân tộc. Đó là sự vội vã không cần thiết.