Vòng xoáy tình yêu (Tác giả: Thanh Điểu/ Dịch giả: Phạm Thanh Hương)
duckon88 > 04-02-2011, 07:48 AM
Lúc mới đến, anh ấy thường ngồi chống cằm ngồi bên cạnh nhìn tôi vừa đánh răng vừa nhổ nước xuống đất.
-Chuyện này thì có gì mà kì lạ?- tôi nhìn anh như nhìn quái vật: -Đất đai còn phải tưới phân, phân và nước tiểu còn tưới vào đất nữa cơ đấy!- nghe xong anh ấy liền lè lưỡi bảo: -Người nhà quê thật là mất vệ sinh!
Tôi cãi nhau với anh ấy đến nỗi mặt mày đỏ gay như gà chọi: -Cái gì mà người nhà quê? Anh không phải là người nhà quê chắc? Có giỏi thì đừng ăn cơm của dì làm nữa?
Kết quả là anh ấy không ăn cơm thật, cứ trốn trong vườn cây ngắm mầm dưa hấu. Tôi chưa từng gặp người nào như vậy cả, lẽ nào anh ấy sinh ra đã không phải làm vườn rồi? Dì dỗ dành anh ấy vào ăn cơm, dỗ từ lúc trăng lên đến tận ngọn cây mà anh ấy vẫn không chịu vào nhà. Cuối cùng dì đành kéo tôi vào nhà ăn cơm. Tôi bắt đầu cảm thấy tò mò, anh ấy là người như thế nào nhỉ? Buổi tối anh ấy đói đến mức không ngủ nổi, mắt cứ mở trừng trừng nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt thất thần nhìn lên bầu trời, hai con ngươi còn đen hơn cả màn đêm. Tôi nhẹ nhàng bò dậy, vươn tay ra trước mặt anh ấy, lòng bàn tay có một cái bánh bao nho nhỏ.
-Có ăn không?- tôi khua khua trước mặt dụ dỗ anh.
Anh ngoảnh đầu ra phía khác không thèm để ý đến tôi.
-Không ăn là hết đấy!- tôi vừa nói vừa giả bộ nhét cái bánh bao vào miệng.
Sau đó, đúng như dự đoán của tôi, anh ấy chồm đến cướp cái bánh bao, bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm như chết đói.
Tôi nhoẻn miệng cười.
Tôi phát hiện ra nhược điểm của anh: cứng đầu, đồng thời cũng rất sợ đói khát.
Tôi biết Cửu Dương có bí mật. Lần đầu tiên nhìn thấy vết sẹo trên cổ anh ấy, tôi sợ đến phát khóc. Vết sẹo đỏ sẫm đáng sợ ấy, xấu xí bò trên cổ anh. Lúc nào Cửu Dương cũng kéo cao cổ áo, che đến tận tai, cho dù là mùa hè hay mùa đông đều như vậy. Vết sẹo ấy không chỉ có trên cổ mà còn cả trên sống lưng, kéo dài khắp cánh tay, sờ vào thấy sần sùi, ghê tay. Tôi không biết anh ấy đã gặp phải chuyện gì, nhưng tôi đoán là anh ấy còn đáng thương hơn mình nhiều.
Bên cạnh vườn rau của dì có mấy khoanh đất trống, tôi định trồng ít hoa nhưng không biết trồng hoa gì cho đẹp. Cửu Dương nói: -Trồng hoa hướng dương đi! Từ tháng năm đến tháng chín là thời kì sinh trưởng của hoa!
Trước đây có người đã từng nói, nhìn thấy hoa hướng dương như nhìn thấy hi vọng. Tôi không biết trồng hoa hướng dương bên cạnh cà chua, dưa chuột trông sẽ thế nào, chỉ có điều anh ấy nói được, tôi liền làm theo như có ma xui quỷ khiến. Cứ thế, đến mùa hè, chúng tôi ngồi dưới đập nước bóc hạt hướng dương ăn, ăn đến nỗi đầu lưỡi rát hết cả mới về nhà. Mặt trời khuất dần phía đằng tây, chúng tôi ngẩn người nhìn cái bóng trước mặt. Anh đi phía trước, không hề ngoảnh đầu lại. Tôi nói: -Cửu Dương, trước đây các cụ già thường bảo dẫm lên cái bóng của một người cũng giống như giẫm lên linh hồn của người đó. Như vậy anh sẽ không đi đâu xa, mà cho dù có đi xa thì linh hồn vẫn ở lại nơi này.
Cửu Dương ngoảnh đầu lại nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh, giọng nói sang sảng vang lên bên tai tôi: -Tại sao anh phải đi?
Tôi ngẩn người hồi lâu: -Chẳng phải anh nói anh không thuộc về nơi này sao? Sớm muộn gì anh cũng rời khỏi đây mà!
Anh cúi đầu nghĩ ngợi, chỉ “ờ’ một tiếng khe khẽ. Chắc là anh ấy không biết rằng trong lòng tôi đã thất vọng đến nhường nào. Thực ra câu tôi muốn nghe từ anh là: -Anh sẽ không đi đâu!- nhưng anh đã không nói với tôi như vậy. Tôi biết, trong lòng anh ấy vẫn còn mong manh chút hi vọng.
Sau đó, chúng tôi lại trồng thêm hoa đậu ván và hoa bươm bướm. Anh ấy nói:-Đến mùa hè, ở đây sẽ có một biển vàng trải dài. Khi gió khẽ thổi qua đây, những bông hoa sẽ dập dờn như những gợn sóng, lúc ấy em sẽ cảm thấy hoa hết cả mắt!
Tôi nheo nheo mắt nhìn anh: -Anh không biết làm ruộng sao lại biết những thứ này?
-Vườn hoa nhà anh đã từng trồng loài hoa này rồi, đương nhiên anh phải biết chứ!
-Nhà anh còn có vườn hoa nữa à? Có to như vườn rau nhà dì không?
-Đồ ngốc! Đương nhiên là không, vườn hoa nhà anh phải to bằng cả cái huyện này ấy chứ!
-Lại nói khoác rồi!- đương nhiên tôi không tin những gì anh ấy nói.
Những ngày tháng 5 bầu trời trong xanh vời vợi, những cây hoa hòe đơm bông trĩu trịt, từng chùm hoa màu phấn trắng như những chùm đèn lồng khẽ đu đưa trong gió, hương thơm dìu dịu phảng phất khắp sân nhà. Tôi đứng bên dưới cầm rổ, đám con trai ở trên tranh nhau hái hoa hòe. Từng chùm hoa hòe to lần lượt được hái xuống, những cánh hoa nhỏ xíu rơi đầy trong rổ. Tôi bốc một nắm bỏ vào mồm nhai, miệng đầy mùi hương hoa nồng nàn. Bỗng trên cây có tiếng ai đó khe khẽ: -Đồ mèo ăn vụng! Không được ăn nữa!- tôi ngẩng đầu lên lườm cho anh một cái, ánh mặt trời rực rỡ khiến cho tôi cảm thấy chói mắt. Lần đầu tiên nhìn kĩ tướng mạo của anh lại là góc nhìn từ thấp lên cao. Ánh mặt trời rực rỡ xuyên qua các kẽ lá, rải rác lên người anh, cả khuôn mặt nghiêng hiện lên tinh tế và mỏng manh như gốm sứ.Thực ra anh rất đẹp trai, chỉ có điều tôi cảm thấy khuôn mặt ấy quá mong manh, thậm chí có phần trong suốt như con gái.
Tháng sáu, chúng tôi xuống tắm trong cái ao trong thôn. Bọn con trai không chịu cho tôi theo, nói là con gái phiền phức, chẳng khác gì cái đuôi cứ bám dính lấy mình. Tôi ấm ức không chịu liền cởi giày lội xuống ao. Lớp bùn bên dưới ao ôi thôi đủ thứ rác thải, lại còn có cả các mảnh vụn thủy tinh. Khe ngón chân của tôi không may bị một mảnh thủy tinh cứa phải, đau đến phát khóc. Cửu Dương thấy vậy liền quay lại, vừa mắng mỏ vừa than thở: -Đã bảo con gái không được đi, em đã thấy mình phiền phức chưa?
Tôi càng khóc to hơn, Cửu Dương bối rối dỗ dành: -Thôi được rồi, còn khóc nữa là anh không cõng em đâu đấy!- nói rồi Cửu Dương cõng tôi lên, cẩn thận bước từng bước lên trên bờ. Giữa hai ngón chân của tôi có một mảnh thủy tinh cắm phải. Lúc rút miếng thủy tinh đó ra, tôi không hề khóc, trong khi đó khóe mắt của Cửu Dương lại đỏ hoe. Tôi ngạc nhiên hỏi: -Anh khó chịu à?
Cửu Dương nói rằng lúc rút mảnh thủy tinh ra, toàn thân anh đổ mồ hôi lạnh, sau đó anh nhìn tôi như nhìn quái vật: -Lúc nãy chẳng phải đau đến mức khóc ầm lên sao? Giờ sao lại dũng cảm thế?
Tôi cắn chặt môi không lên tiếng. Lúc băng bó vết thương lại, tôi bám chặt lấy tay anh nhưng Cửu Dương chẳng hề có phản ứng gì.
Mùa hè đến, tiếng ve sầu kêu râm ran khắp nơi. Tiếng kêu khô khan khiến cho
con người nghe thấy chỉ muốn chìm vào giấc ngủ. Cửu Dương nhân lúc tôi đang ngủ liền bắt ve sầu bỏ lên tai tôi. Tiếng ve kêu nhức óc làm tôi tỉnh giấc, sợ đến phát khóc. Tôi thề cả đời này sẽ không bao giờ chơi với anh nữa.
Tối đến, anh chạy đến trước mặt tôi, năn nỉ: -Đừng giận nữa mà, anh sẽ nhường bánh rán cho em!
Tôi vẫn thờ ơ chẳng đếm xỉa.
Nửa đêm, dì ngồi trong chuồng lợn đỡ đẻ cho con lợn nái dì nuôi. Cửu Dương hồng hộc chạy vào bảo: -Con lợn nái nhà ta đẻ rồi, em không muốn đi xem à?
Tôi chẳng thèm đếm xỉa đến anh, lấy tay kéo chăn trùm kín đầu: -Để em ngủ!
Một lát sau không thấy động tĩnh gì, tôi len lén kéo chăn xuống, quả nhiên Cửu Dương đã đi xem lợn đẻ rồi.
Sáng hôm sau, tôi đang ngồi rẽ ngô ở dưới cây cổ thụ, những hạt ngô vàng ươm rải đầy mặt đất, bỗng nhiên trước mặt tôi hiện ra một cái bóng. Không cần ngẩng đầu lên tôi cũng biết đó là ai, nhưng tôi không định đếm xỉa đến anh ấy. Anh ấy chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trước mặt tôi, cuối cùng anh ấy học điệu bộ của người già, thở dài một cái rồi xoay người bỏ đi.
Tối đó ăn cơm xong, anh lại đến trước mặt tôi bảo: -Thủy Sam, đi ra chỗ đống rơm ngắm sao với anh đi!
-Không đi!- tôi thờ ơ đáp.
Cửu Dương chỉ lên bầu trời bảo: -Hôm nay là Thất tịch(7) (ngày 7 tháng 7 âm lịch, theo truyền thuyết thì ngày 7 tháng 7 hàng Âm lịch hàng năm, Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ được gặp lại nhau trên cây cầu Ô thước) đấy!
Trên đống cỏ đã có mấy đứa nhóc đến sớm chiếm mất vị trí đẹp, có đứa đang thì thầm to nhỏ điều gì, có kẻ thì đuổi nhau cười ầm ĩ. Đáng tiếc là đêm đó mây đen che kín bầu trời. Đám mây này vừa đi gió đã kéo đám mây khác đến bao phủ. Đám trẻ con lục tục kéo nhau ra về, tôi nằm trên đống rơm ngáp một cái rõ dài, xem ra hôm nay không thể nhìn thấy cầu Ô thước được rồi! Tôi định tụt xuống khỏi đống rơm thì Cửu Dương đã kéo tay áo tôi lại, khẽ bảo: -Đợi thêm một chút nữa đi!
Tôi nhìn vào mắt anh, trong đó có ánh trăng lấp lánh, ướt át như một con hồ li. Đợi những đứa khác đều ra về hết, Cửu Dương bắt chước tiếng phát thanh viên trên đài, nói bằng giọng nam hóm hỉnh: -Bây giờ, mời tiểu thư đây hãy nhắm mắt lại!
Lại định bỏ ve sầu vào tai mình chứ gì? Còn lâu mình mới mắc lừa lần nữa! Tôi lườm anh, ánh mắt chất chứa đầy sự khinh bỉ.
Cửu Dương nhìn tôi bằng ánh mắt van nài: -Hãy tin anh một lần đi mà!
Tôi bán tín bán nghi nhắm mắt lại, tuy nhiên mắt vẫn hơi ti hí. Thế là Cửu Dương liền đưa tay ra che mắt tôi lại.
-Anh làm cái gì vậy?
Tôi vùng vẫy tránh ra khỏi bàn tay anh, vừa mở mắt ra, cảnh tượng trước mắt đã khiến cho tôi tưởng rằng đó là ảo giác. Vô số ánh sáng nhấp nháy từ từ bay lên cao, tản ra khắp nơi, thứ ánh sáng ấm áp ấy chiếu sáng khuôn mặt tôi, giống như hàng ngàn chiếc đèn lồng tâm linh đang tỏa sáng.
-Oa, đẹp quá!- mặc dù ở quê, tôi đã từng không ít lần nhìn thấy đom đóm, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều đom đóm như vậy.
Không biết Cửu Dương đã phải mất bao nhiêu thời gian mới bắt được ngần ấy con đom đóm, nhưng vào khoảnh khắc ấy, quả thật tôi cảm thấy rất vui.
Cửu Dương nói: -Mỗi con đom đóm đều chứa đựng linh hồn của một người đã chết. Em có tin không?
Tôi lè lưỡi: -Vậy thì chẳng phải anh đã bắt rất nhiều linh hồn ư?
-Vậy thì em hãy thương tình anh vất vả, lại đắc tội với bao nhiêu là linh hồn, hãy tha lỗi cho anh nhé!
Tôi bật cười vui vẻ, Cửu Dương bảo: -Có gì buồn cười chứ?
Tôi đáp: -Xin anh đấy, anh đừng có bắt chước giọng của người phát thanh viên trên đài nữa, buồn cười chết đi được!
Mặt Cửu Dương đỏ bừng lên vì xấu hổ, anh xấu hổ chạy một mạch về nhà. Lúc ấy tôi mới biết, thực ra tâm hồn của anh cũng vô cùng trong sáng và thuần khiết. Những cậu bé ở trong huyện Tiêu này, chẳng mấy ai hơi một tí đã đỏ mặt như anh cả.
Thỉnh thoảng anh cũng nói chuyện về gia đình của mình. Anh nói gia đình anh sống vô cùng sung túc và xa xỉ, ngay cả trường tiểu học trong huyện cũng không to bằng cái chuồng ngựa nhà anh. Tôi rất tò mò, đương nhiên không thể tin vào những điều anh nói: -Lại khoác lác rồi! Nuôi lợn đem bán còn có tiền, nuôi nhiều ngựa thế để làm gì? Chỉ nghe qua cũng biết là nói dối rồi!
Cửu Dương tức giận trợn mắt nhìn tôi: -Anh mà nói khoác thì anh là con chó!
Điệu bộ của Cửu Dương khiến tôi không thể nhịn được cười.
Cửu Dương bảo: -Sau này nếu có cơ hội, anh nhất định sẽ dẫn em đến xem chuồng ngựa nhà anh! Bố anh nuôi rất nhiều giống ngựa thuần, cả những giống ngựa lai tốt nhất. Giống ngựa Hanover thuần của Đức cưỡi lên có cảm giác khác biệt rõ ràng….
Cửu Dương say sưa kể, tôi nghe một cách mơ hồ, cảm giác không hề chân thực. Nhưng mà Cửu Dương ơi, nếu như anh được sinh ra trong một gia đình có điều kiện tốt như vậy, tại sao bố anh lại không cần anh nữa?
Câu hỏi này, tôi không dám hỏi.
Biểu hiện lần đầu tiên học cấy mạ của Cửu Dương rất kì quái. Tôi hỏi anh ấy làm sao nhưng anh ấy không nói gì. Đến tối về nhà mới phát hiện ra chân của anh ấy bị sưng to. Tôi giật bắn người: -Anh bị đỉa cắn sao không lên tiếng? Đỉa hút máu người đấy!
Cửu Dương nói anh đã dùng dép đánh vào nó nhưng nó nhất khoát không nhả ra.
Tôi lắc đầu bảo: -Không được đánh, càng đánh nó càng bám chặt vào thịt, phải lấy cây mạ quét quét vào nó, nó sẽ tự rơi xuống, sao anh không chịu nói với em?
Mặt Cửu Dương đỏ lựng lên, miệng ấp úng định nói gì đó nhưng lại thôi.
-Anh làm sao thế?- tôi hỏi.
Cửu Dương lắp bắp mãi mới nói ra được, hóa ra đỉa chui vào tận trong đũng quần, nó cắn vừa ngứa vừa đau, khó chịu chết đi được.