Thị trường máy tính nói chung và PC nói riêng, cứ mỗi khi một bản Windows mới xuất hiện, lại đón nhận một làn sóng nâng cấp / mua sắm. Có thể nói việc ra mắt hệ điều hành (HĐH) mới của Microsoft (MS) chính là hơi thở của nền công nghiệp PC. Riêng với lần phát hành vào 26-10 sắp tới, lại mang một màu sắc mới khi Windows 8 hỗ trợ thêm kiến trúc ARM trên các kernel NT. AMD, một bạn hàng lâu năm của MS, nghĩ gì trước sự kiện lớn này?
- Windows 8 hỗ trợ thêm kiến trúc ARM gây ra nhiều khó khăn hơn cho Intel và AMD.
- Trọng tâm của AMD là cải thiện trải nghiệm của người dùng trên sản phẩm của mình
- Bằng cách "ẩn mình" sau các sản phẩm hoàn chỉnh, AMD hy vọng có thể đánh bại các đối thủ khi có sản phẩm mạnh mẽ hơn về GPU.
- Tăng tốc nhờ GPU là quân bài chính của AMD cho Windows 8.
Phó chủ tịch tập đoàn, mảng desktop của AMD, Leslie Sobon.
Đại diện của nhà sản xuất (NSX) chip x86 lớn thứ hai thế giới, Leslie Sobon, hiện đang giữ chức phó chủ tịch tập đoàn mảng sản phẩm desktop, cho biết hãng này đã sẵn sàng đón nhận HĐH mới của MS.
Không riêng gì Leslie, hẳn nhiều người có quan tâm tới công nghệ cũng rõ tương quan hiện nay giữa AMD và đối thủ chính - Intel. Hoàn cảnh như anh chàng David bé nhỏ và gã Goliath khổng lồ (Intel hiện chiếm 80% thị phần x86). Vậy nên không có gì nghi hoặc khi Windows 8 ra mắt, Intel vẫn tiếp tục là kẻ dẫn đầu cuộc đua. Song Leslie, đây là "cuộc đua marathon chứ không phải cuộc chạy nước rút". Tại sao?
Nhiều người dùng không thực sự quan tâm con chip đấy của ai.
Leslie gõ tay lên chiếc MacBook Air của Vlad Savov (người dịch - phóng viên The Verge), cho hay: "người dùng (phổ thông) không quan tâm đến ai làm ra các linh kiện bên trong chiếc máy này. Thứ họ quan tâm là trải nghiệm mà họ có được từ chúng - họ có thể dùng được bao lâu sau mỗi lần sạc, giao diện màn hình nhạy và đáp ứng nhanh tới mức nào, và dĩ nhiên, những thứ ấy tốn của họ bao nhiêu". Leslie minh hoạ quan điểm của mình: "chúng ta thực sự chưa có một hiện tượng tablet, thứ chúng ta đang có là hiện tượng về iPad". Tức Leslie muốn ám chỉ tablet hiện nay chưa thực sự hoàn chỉnh, chỉ một số ít như iPad mới đáp ứng tạm đủ các trải nghiệm người dùng.
Nhưng vị phó chủ tịch này muốn nói lên cái gì ở AMD? GPU! Hay chính xác hơn, là các ứng dụng có thể được tăng tốc thông qua GPU. Vừa sản xuất chip x86, vừa làm chip đồ hoạ từ nhiều năm qua, AMD có một lịch sử hợp tác lâu dài với MS. NSX phần cứng này hiểu rõ cảm ứng chuyển động Kinect trên Xbox của MS hoạt động như thế nào. Và không có gì ngạc nhiên khi MS tận dụng GPU để hỗ trợ CPU làm các việc này. Trong các tác vụ xử lý song song với khối lượng dữ liệu lớn, GPU làm tốt hơn CPU nếu được lập trình đúng đắn.
Tăng tốc bằng GPU là tính năng mặc định của Windows 8.
Dĩ nhiên không chỉ MS, AMD cũng là đối tác với Apple và Mac OS X là một trong các HĐH tiên phong khai thác GPU để tăng tốc xử lý. Cần nói thêm OpenCL chính là thứ Apple đã đóng góp cho ngành công nghiệp mà AMD là một trong những người ủng hộ bộ API lập trình này mạnh mẽ nhất. Leslie tóm gọn: "chúng tôi sẽ thắng khi mọi thứ được tăng tốc nhờ GPU".
Xem thêm
Theo NIIT