Sau khi chết, linh hồn đi đâu, có đầu thai không?
lee eun hee > 10-14-2011, 02:55 PM
Nhiều triết gia duy vật khẳng định không có linh hồn, chết là hết? Gần đây, một số nhà khoa học phán đoán linh hồn là một dạng “năng lượng sinh học” đặc biệt, tiếng Anh gọi là bioenergy. Tinh thần, đạo đức, tính nết, tình cảm, trí khôn... đều từ năng lượng này mà ra. Nó có thể biến thành những khả năng kỳ diệu như thiên tài, ngoại cảm, tiên tri... hoặc những hành vi đột xuất phi thường như Ngô Thị Tuyển bất ngờ vác được cả 2 hòm đạn pháo cao xạ nặng 98kg trong trận đánh trả máy bay Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) năm 1965.
1. Sau khi chết, linh hồn đi đâu?
Bản chất của linh hồn là gì, sóng điện từ, hạt proton hay phản ứng hóa học, tôi chưa thấy tài liệu nào nói. Theo định luật bảo toàn năng lượng Lomonossov - Lavoisier, sau khi chết, linh hồn vì cũng là năng lượng, nên không mất đi mà có thể tồn tại ở chừng mực nào đó và biến đổi thành những năng lượng khác. Đã có những bằng chứng về ảnh hưởng của linh hồn người chết đối với người sống và môi trường sống. Tuy nhiên vấn đề này còn nhiều bí ẩn, phải chờ khoa học “hạ hồi phân giải”.
2. Những linh hồn thiện - ác do cấp nào xét xử và xét xử ra sao?
Nhiều người tin rằng linh hồn người chết sẽ bị toà án của “thế giới vô hình” xét xử, phán quyết linh hồn thiện được lên Thiên Đàng (còn gọi là “Cực Lạc”), linh hồn ác bị đày xuống Địa Ngục. Theo đạo Phật, người thiện, kẻ ác nhận quả báo ngay khi còn sống (gọi là “quả báo hiện tiền”) chứ không phải đợi sau khi chết. Đó là luật Nhân - Quả. Nhân là hạt (nguyên nhân), Quả là trái (kết quả). Gieo nhân nào, hái quả dó, cũng như ta gieo hạt bí thì phải được trái bí chứ không thể là trái mướp. Do đó, nhân “thiện” được quả “phúc”, thí dụ vợ chồng hòa thuận (nhân “thiện”), gia đình êm ấm (quả “phúc”). Nhân “ác” ắt phải nhận quả “hoạ”, thí dụ giết người bị tử hình. Thiên Đàng hay Địa Ngục chẳng phải tít trên trời hay sâu thẳm dưới đất, mà ở ngay trong con người ta, trong gia đình. Cả nhà ta vui vẻ, khoẻ mạnh, đủ cơm ăn áo mặc, con cái chăm ngoan, học giỏi, ấy là Thiên Đàng. Tên độc tài Chi-lê Pinochet bị bao nhiêu bệnh tật hiểm nghèo dày vò, tuy đã ngoài 80 tuổi vẫn chưa chết nhưng thực sự đang sống trong Địa Ngục. Không phải chỉ có cướp của, giết người mới là ác mà bất cứ làm việc gì sai trái, hại người, hại mình, đều là ác. Thí dụ nghiện thuốc lá bị ung thư phổi, đó cũng là luật Nhân - Quả.
3. Có “thế giới vô hình” không?
Theo luật Nhân - Quả, Thiên Đàng, Cực lạc, Địa Ngục đều ở ngay “thế giới trong ta”. “Thế giới bên kia” chỉ là sự tưởng tượng. Bài “Cảnh sách buổi chiều” của nhà chùa có câu: Thời hiện tại không xa gang tấc/Ngay chốn này Cực Lạc rồi đây!
4. Có luân hồi, tái sinh không?
Đạo Phật nói “sinh tử luân hồi” cũng như thuyết duy vật biện chứng “phủ định của phủ định”, Luân hồi là chuyển động quay vòng “bánh xe lăn” (luân = bánh xe, hồi = quay đi quay lại). Thí dụ trong thực vật có các cây xương sông, rau đền, tía tô chết đi rồi tái sinh nhưng không phải cây cũ sống lại mà là cây mới do hạt cây chết rụng xuống sinh ra. Phật giáo có nhiều dòng tu, “luân hồi tái sinh” (sau khi chết đầu thai sang kiếp khác), chỉ là học thuyết riêng của một số dòng tu chứ không phải của chung cả đạo Phật. Năm 1993-1994, tôi sang Pháp học Thiền, chỉ được nghe các hòa thượng, thượng toạ giảng thuyết “hiện pháp lạc trú” (vui sống trong hiện tại) chứ không thấy thuyết “luân hồi tái sinh”. Tôi có hỏi vị hòa thượng giáo sư của chúng tôi tại sao trong nhiều kinh, Đức Thích Ca thường kể “kiếp trước” ngài là ông A, ông B nào đó. Giáo sư giải thích đó là phương pháp “quyền thuyết” (nói một cách biến báo linh hoạt) cho người nghe dễ hiểu, cũng như nhà thơ Pháp La Fontaine (1621-1695) kể chuyện ngụ ngôn để răn đời, chứ thực tế các con vật như quạ cáo, kiến, ve sầu... có biết nói đâu?
Tháng 8-1994, tôi đến thăm một tu viện Phật giáo Tây Tạng ở tỉnh Dordogne, cách Thiền viện của chúng tôi 60km, và được các sư bản tương tiếp chuyện. Gọi là “Tây Tạng” nhưng các sư đều là người Pháp chính gốc, trừ một thầy người Senégal (châu Phi). Các thầy đều tin ở thuyết “luân hồi tái sinh”. Cụ thể là các bậc cao tăng của dòng tu này thường đi khắp nơi tìm những trẻ em là hiện thân tái sinh của các vị Dalai Lama (giáo chủ Phật giáo Tây Tạng) đã quá cố. Ngày xưa chỉ tìm trong phạm vi lãnh thổ Tây Tạng, nay nhờ giao thông vận tải phát triển, quan hệ quốc tế mở rộng, các ngài đã phát hiện thấy có cả những trẻ em như thế ở các nước Âu Mỹ, như năm 1990 tìm thấy một cậu bé 7 tuổi người Tây Ban Nha.
Tôi còn nghe kể chuyện về một ông già người Mỹ khi lâm bệnh nặng, sắp chết bỗng dưng nói tiếng Gaelic là tiếng dân tộc của người Ai-len và bảo con cháu rằng kiếp trước cụ là thợ mộc tên là David O’Brien ở Ai-len, nói rõ ngày, tháng, năm sinh, năm mất, và địa chỉ thôn, xã huyện, tỉnh của ông David này. Sau khi cụ từ trần, gia đình đi du lịch sang Ai-len tìm đến địa phương nói trên và dòng họ O’Brien, xem lại gia phả thì đúng có một cụ tổ làm thợ mộc tên là David, thời điểm sinh và mất chính xác như ông già Mỹ đã nói.
Cũng tháng 8-1994, tôi lại thấy ti-vi của Pháp chiếu phóng sự truyền hình về một chị công nhân Pháp tự nhiên nhớ lại kiếp trước của mình là một phụ nữ Paris đã trực tiếp tham gia Cách mạng 14-7-1789. Những người ủng hộ thuyết “luân hồi tái sinh” nói rằng tất cả chúng ta đều là hiện thân của nhiều kiếp nhưng chúng ta quên hết cả, số người đột xuất nhớ lại vô cùng hiếm hoi. Tôi có bạch lại những chuyện này với giáo sư của chúng tôi thì hòa thượng trả lời đại ý như sau: “Những câu chuyện về linh hồn tái sinh dù có thật chăng nữa mới chỉ là hiện tượng, còn phải đợi khoa học kiểm chứng. Ta chưa nên hấp tấp tin ngay nhưng cũng đừng vội vã bác bỏ mà chỉ ghi nhận. Đó chính là thái độ khách quan đúng đắn. Tốt nhất là ta nên quan tâm chăm sóc cuộc sống hiện tại trước mắt của bản thân ta và của mọi người xung quanh trong cộng đồng, ấy là việc thiết thực. Phật dạy phải ra sức xây đời Cực Lạc ngay cõi thế gian, chứ ngóng chờ đầu thai sang kiếp khác sung sướng hơn chỉ là chuyện viển vông”.